Việc khai thác cát tràn lan ở hồ Dầu Tiếng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc nước hồ có màu xanh bất thường trong thời gian qua.
Ngày 3/8/2019, trao đổi với Đất Việt, nhiều chuyên gia môi trường khẳng định việc nước hồ Dầu Tiếng giáp với sông Sài Gòn chuyển màu xanh bất thường, đặc quánh là do việc khai thác cát là môi trường cho các loại tảo, rong rêu phát triển tạo nên những mảng đặc quánh khiến nước chuyển màu xanh trong thời gian qua.
"Thực tế việc nước hồ Dầu Tiếng bị ô nhiễm đã được nói nhiều đến từ năm 2018, khi đó tình trạng khai thác cát tràn lan nhưng không được dẹp bỏ.
Việc khai thác cát làm thay đổi môi trường nước, không những thế nước thải từ các tàu khai thác thải ra hồ sẽ khiến nguồn nước bị ô nhiễm" - TS Nguyễn Đức Học, Viện Tài nguyên Nước và Môi trường cho biết.
Từ hình ảnh mà ông Học theo dõi được qua các phương tiện truyền thông đại chúng, vị chuyên gia này cho rằng các mảng màu xanh xuất hiện trên bề mặt hồ Dầu Tiếng là các loại tảo, hình thành do nước hồ bị ô nhiễm nên mới dẫn tới từng mảng như thế.
Nước hồ Dầu Tiếng đoạn giáp sông Sài Gòn chuyển màu xanh, đặc quánh.
Theo tìm hiểu của Đất Việt, vào năm 2018 quy định mỗi ngày chỉ cho phép bơm hút cát từ lòng hồ Dầu Tiếng khối lượng khoảng 5.000 m3. Thế nhưng, tính trung bình mỗi tàu có trọng tải 100 tấn bơm hút được khoảng 40 m3 cát.
Như vậy, chỉ tính nhẩm sơ 200 tàu bơm hút mỗi ngày ít nhất cũng “rút ruột” lòng hồ khoảng 8.000 m3 cát.
Bên cạnh đó, xung quanh khu vực hồ Dầu Tiếng còn có nhiều nhà máy cao su, trang trại chăn nuôi, hoạt động sản xuất nông nghiệp... nếu nguồn nước thải từ những cơ sở này thải ra hồ Dầu Tiếng mà không được xử lý cũng góp phần làm cho nước hồ chuyển thành màu xanh.
TS Nguyễn Đức Học nói: "Ở nhiều vùng quê hiện nay cũng xuất hiện từng mảng tảo xanh quây kín cả kênh mương do nước thải sinh hoạt và hoạt động nông nghiệp thải ra.
Sau một thời gian, nguồn nước thải này sẽ khiến cho khu vực kênh, mương bị ô nhiễm tạo môi trường cho các loại sinh vật độc hại phát triển, dần dần lấn chiếm cả khu vực kênh, mương đó khiến dòng chạy bị ứ đọng, tạo ra nguồn hôi thối.
Nếu hồ Dầu Tiếng không có phương phòng tránh, xử lý kịp thời thì rất có thể hiện tượng như thế cũng có thể xảy ra trong tương lai".
Được biết, hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, có 270 km2 diện tích mặt nước và 45,6 km2 đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỉ m3 nước.
Hồ Dầu Tiếng cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp cho TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An; cung cấp nước tưới trực tiếp cho 100.000 ha đất nông nghiệp 1 vụ cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và TP.HCM; tạo nguồn tưới cho vùng hạ du sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông diện tích 40.140 ha.
Khi xuất hiện nước mặt hồ Dầu Tiếng xanh bất thường khiến cho nhiều người lo lắng, công việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của người dân trong vùng cũng bị ảnh hưởng.