Tháng 7/2021, Amazon tuyên bố sáng kiến mới: phấn đấu trở thành nhà tuyển dụng tốt nhất Trái đất. Tiêu chí "Thành công, quy mô mang lại trách nhiệm tương ứng" cũng được thêm vào bộ 16 nguyên tắc bất khả xâm phạm tại hãng bán lẻ Mỹ.
Tuy nhiên, rất lâu kể từ ngày hôm đó, mục tiêu trên vẫn chưa thể thực hiện. Văn hoá độc hại cùng sự đi xuống của hoạt động kinh doanh biến đây trở thành chủ đề gây tranh cãi nhất đối với toàn bộ nhân viên.
"Tôi không biết họ đang làm cái quái gì để trở thành nhà tuyển dụng tốt nhất Trái đất", một nhân viên chia sẻ với Insider. "Dường như chẳng có gì thay đổi cả. Tôi vẫn chưa thấy sáng kiến đó chưa thấm nhuần vào văn hóa".
Đáp lại, đại diện Amazon cho biết: "Chúng tôi có thể cải thiện vấn đề theo nhiều cách khác nhau trong chuỗi hoạt động kinh doanh. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để cải thiện mỗi ngày và đáp ứng nhân viên, khách hàng và đối tác".
Được biết, Amazon từng bị tố thu thập thông tin của hầu hết công nhân, yêu cầu họ đeo dây cổ tay để tiện theo dõi các chuyển động. Thiết bị sẽ rung lên nhắc nhân viên làm việc khi chúng nghĩ rằng họ đang nghỉ ngơi.
"Mọi người chỉ đi vệ sinh trong chai vì họ sợ bị kỷ luật về thời gian rảnh", một nhân viên phàn nàn.
Chính vì bị quên đi yếu tố con người, nhân viên Amazon phải làm việc như những chú robot. Theo Business Insider, họ phải làm việc ít nhất 60 giờ/tuần. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống dường như không còn tồn tại.
Có 3 cuộc họp nội bộ trước đây tại Amazon đã được ghi âm lại, trong đó, các nhân viên thúc ép Jassy và Beth Galetti - Giám đốc nhân sự hàng đầu của Amazon làm rõ các mục tiêu trở thành nhà tuyển dụng tốt nhất trên Trái đất. Tuy nhiên, phản hồi của họ càng khiến nhân viên Amazon thêm chán nản.
Cụ thể, Andy Jassy lúng túng khi cố gắng chia sẻ về sáng kiến, sau đó đánh lạc hướng đề cập đến việc cải thiện điều kiện lao động tại các kho bãi - nơi công nhân thường xuyên bị chấn thương cột sống và khớp do đặc thù công việc. Vị giám đốc điều hành tập đoàn cũng thảo luận về việc giúp nhân viên có một "sự nghiệp lâu dài, thỏa mãn", song song với chế độ quản lý bằng sự đồng cảm. Ông cho biết nhóm lãnh đạo cấp cao nhất của Amazon đã họp "ít nhất mỗi tháng một lần" để giải quyết các vấn đề này.
Dẫu vậy, một câu trả lời mạch lạc, đúng trọng tâm vấn đề không xuất hiện. Andy Jassy ngụy biện rằng Amazon không thể tự mình làm mọi thứ và sẽ mất một thời gian dài nữa để sáng kiến đi tới kết quả".
Một năm sau, điều đó càng trở nên mơ hồ hơn. An toàn tại nơi làm việc, mức lương cạnh tranh và văn hóa chuẩn mực vẫn được coi là mục tiêu chính của công ty, song tiến độ thực hiện chúng ra sao thì không ai biết.
Andy Jassy cho rằng sáng kiến trở thành nhà tuyển dụng tốt nhất Trái đất nên tập trung vào chế độ nhân tài và các mục tiêu dài hạn. Sự thẳng thắn, tôn trọng ngay cả khi bất đồng ý kiến cũng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, sáng kiến được cho là mang tính "chủ quan" bởi mỗi nhân viên sẽ có cái nhìn và định nghĩa khác nhau về một nơi làm việc tốt nhất.
Tại một cuộc họp khác vào tháng 4/2022, Galetti đồng ý với quan điểm của Jassy. Bà cho biết Amazon đã xác định được 100 vấn đề nhức nhối liên quan đến sáng kiến, đồng thời đã giải quyết được 28 vấn đề. Chúng bao gồm chính sách bồi thường cho nhân viên và cải thiện văn hóa kỹ thuật.
Sang năm 2023, hơn 80 phản hồi của nhân viên về sáng kiến trên đã được ghi nhận. Theo đó, để trở thành nhà tuyển dụng tốt nhất thế giới, họ cho rằng Amazon nên trả lương cao hơn và tái cân bằng công việc-cuộc sống. Ngoài ra, công ty cũng nên "tử tế hơn với nhân viên".
Trong một nghiên cứu nội bộ dài 11 trang được tạo vào tháng 10/ 2021, các nhân viên Amazon cho biết công ty không hề "đổi mới rõ rệt", thậm chí khiến văn hoá nội bộ gắn liền với "sự căng thẳng, kiệt sức, hỗn loạn và ngột ngạt". Những "cải thiện khiêm tốn" đều không phù hợp với văn hóa cốt lõi của Amazon, nhất là khi động thái sa thải cách đây không lâu làm tê liệt tinh thần nhân sự.
Đối với nhiều nhân viên của Amazon, sự thiếu minh bạch trong quá trình sa thải vào tháng trước rất mâu thuẫn với quan điểm sử dụng lao động. Công ty không hề chia sẻ rộng rãi kế hoạch tái cấu trúc với nhân viên cho đến khi nó bị rò rỉ. Bộ phận quản lý thậm chí còn mù mờ, không nắm rõ vấn đề. Hầu hết nhân viên bị sa thải chỉ được thông báo qua email, không hề có cảnh báo từ trước hoặc gặp mặt trực tiếp.
"Việc này được giải quyết quá tệ", một cựu nhân viên nói, đồng thời cho biết cách xử lý trên khiến một số nhân viên cảm thấy hoài niệm cựu lãnh đạo Jeff Bezos.
"Jeff Bezos không bao giờ giả vờ. Mọi thứ đều dựa trên hiệu suất", một nhân viên hiện tại cho biết. "Tôi tôn trọng những việc Jassy làm, song nó sẽ không bao giờ giúp Amazon mở rộng quy mô và tăng gắn bó nội bộ".
Theo Financial Times, những gì từng được cho là tham vọng và đam mê vô hạn dưới thời Bezos đột nhiên biến mất dưới thời ông Jassy. Jassy hiện vẫn phớt lờ mọi ý kiến cho rằng việc Amazon tích trữ nhân tài trong đại dịch là vô trách nhiệm. "Việc tuyển dụng rầm rộ là vì chúng tôi nghĩ về cơ hội. Thời điểm công ty đang phát triển tốt, rất hợp lý để tăng gấp đôi quy mô. Và rồi nền kinh tế thay đổi, vĩ mô thay đổi", Jassy nói.
Theo: Business Insider, Financial Times