Học thêm những kỹ năng mới: Vẻ đẹp - Trí tuệ
Có nhiều người dành một khoảng thời gian nhất định để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Ta nên hướng đến mẫu người đạt tiêu chuẩn cao của xã hội hay sống theo bức tranh của riêng mình?”. Nói riêng về nữ giới, phần đa họ chọn dung hòa cả hai, vừa nỗ lực cải thiện chính mình để trở thành một “phiên bản” tốt hơn, vừa sống theo cảm xúc và lựa chọn những quyết định tốt nhất cho bản thân phù hợp với hoàn cảnh vốn có.
Tâm sự với Ngọc Hà (quê ở Quảng Ninh) hiện là sinh viên năm 4 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền về nhịp sống mùa dịch, cô bày tỏ: “Trước tiên, mình cho rằng, trong xã hội hiện đại, là con gái, luôn cần phải song hành cả trí tuệ lẫn vẻ đẹp nên việc học kỹ năng để tôi luyện bản thân là cần thiết. Không những phải chú trọng vào việc học thêm kỹ năng mà phải liên tục thực hành công cuộc “nâng cấp bản thân” đến hết đời.
Đầu năm 2020 (cũng trong thời điểm dịch bệnh), mình có đọc cuốn sách "Rất thần thái, rất Paris" và nó hoàn toàn thay đổi phong cách sống của mình. Có thể coi đó là mở màn trong việc xây lại một phiên bản mới tốt hơn. Mình nghĩ trau chuốt bản thân, đối xử tử tế với chính mình, cư xử đúng mực với mọi người là bộ kỹ năng về vẻ đẹp mà mình học được từ trong sách.
Còn về trí tuệ, ngoài việc đi chụp ảnh để lấy kinh nghiệm, mình học thêm một khóa học thiết kế để bổ trợ cho việc hậu kỳ hình ảnh, giúp ích trong việc cải thiện hình ảnh bản thân, cơ hội việc làm rộng mở hơn. Quả thật, việc học thêm kỹ năng không chỉ giúp mình làm mạnh cái vốn có mà còn mở rộng đầu óc, thay đổi tư duy của mình”.
Theo Ngọc Hà, con gái thời nào cũng không nên chạy theo những thứ “nhất thời”. Tuy học báo, học về truyền thông nhưng Hà lại không thích những thứ trending trên mạng. Cô dùng máy ảnh - đồ công nghệ, nhưng lại chọn máy để dùng lâu dài chứ không "dấn thân" vào vòng xoáy công nghệ. Do đó, con gái hiện đại càng phải khôn ngoan hơn khi nhận định về những thứ nhất thời, biết mình phù hợp với cái gì, theo đuổi một phong cách sống lành mạnh, hay một mục tiêu dài hạn mới là thứ nên chú tâm.
Phải dời công việc sang hình thức online tại nhà, nhiều người cảm thấy hơi bí bách và bị gò bó bởi không gian làm việc. Với Nguyễn Thị Thùy Linh (MC, giảng viên các khóa học về giọng nói), cô cảm thấy khoảng thời gian giãn cách xã hội, ở nhà 24h/ngày là cơ hội để “lắng nghe” chính bản thân mình.
“Về công việc, mình chuyển sang làm thu âm online vào mỗi tối. Do đó, mình có nhiều thời gian hơn để sắp xếp lại thời gian biểu của bản thân, ghi chú những thói quen tốt để cải thiện và thay đổi.
Trước kia, mình đi sớm về khuya, không biết nấu ăn. Nhưng hiện tại, mình lại có thể chia sẻ một số bí quyết hay các công thức món ăn ngon cho bạn bè trên mạng xã hội. Đó là một trong những kỹ năng mà mình đã cải thiện và học được trong mùa dịch.
Quan trọng hơn, mình hướng đến những “lỗ hổng” của bản thân để lấp đầy nó bằng kiến thức, sự tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện mình”, Thùy Linh chia sẻ.
Tập thể dục, yoga đều đặn
Yoga vốn là một bộ môn thể thao tuyệt vời rèn luyện sức bền bỉ, tạo khoảng lặng và giúp ta cân bằng cuộc sống dễ dàng hơn. Nhịp sống nhộn nhịp, hối hả thường ngày trước kia khiến nhiều người quên đi việc rèn luyện sức khỏe tinh thần qua việc tập luyện bộ môn thể thao phù hợp.
Mùa dịch, thay vì lướt mạng xã hội nhiều giờ đồng hồ, bạn Khánh Linh (sinh năm 2001, quê ở Thanh Hóa) lại chọn dành thời gian cho các bài tập yoga và gym.
“Lý do đưa mình đến với bộ môn yoga cũng không có gì đặc biệt bởi đợt dịch này mình cũng có thời gian ở nhà nhiều hơn. Thay vào việc suốt ngày “cắm mặt” vào internet và thấy những hình ảnh, tin tức tiêu cực, ít nhiều làm tinh thần của mình đi xuống, nên mình quyết định tìm hiểu và tập yoga.
Từ khi tập yoga, mình có cơ hội lắng nghe bản thân cũng như cơ thể nhiều hơn, chăm sóc sức khỏe bằng việc trau dồi kiến thức và tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất. Những điều này trước đây mình ít có điều kiện và thời gian làm, mình cảm thấy bản thân phát triển tích cực tốt hơn.
Thế giới chậm hiện tại không hề đem lại suy nghĩ tiêu cực như mình lo sợ trước đây, thời gian này mình cũng nhận ra sức khỏe bản thân cực kỳ quan trọng nên không ngừng học hỏi và rèn luyện sức khỏe. Mình nghĩ rằng, là con gái, việc tập thể thao nói chung hay yoga nói riêng rất cần thiết, trước khi muốn làm đẹp bên ngoài, mình nên làm đẹp từ bên trong cơ thể. Có sức khỏe, tinh thần thì làm gì cũng tốt, đem lại nhiều hiệu quả trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày trong tình hình dịch hiện tại”.
Một trong những món ăn theo chế độ của Khánh Linh khi tập yoga.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần, “chữa lành” tổn thương trong quá khứ
Sức khỏe tinh thần không phải là khái niệm quá mới mẻ trong những năm gần đây. Sức khỏe tinh thần hiểu một cách nôm na là trạng thái tích cực trong lối suy nghĩ, kiểm soát cảm xúc cho đến hành xử. Chỉ khi có sức khỏe tinh thần, chúng ta mới tạo ra được năng lượng tích cực cho bản thân trong công việc và những người xung quanh. Đặc biệt, khi chú trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần, ta sẽ dễ dàng “chữa lành” tổn thương trong quá khứ mà tưởng chừng như nó sẽ hằn in mãi mãi.
Với những người sống hướng nội như Thi Thi (quê ở Hà Tĩnh), cô rất quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Thi bày tỏ: “Có thể nói, người sống tình cảm, dễ căng thẳng, một khi sức khỏe tinh thần không ổn sẽ giống như gót chân Asin có thể khiến người ta “sụp đổ” bất cứ khi nào. Ngược lại, khi sức khỏe tinh thần tốt, bạn sẽ có sức mạnh ý chí để vượt qua khó khăn, gạt bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực hay “chữa lành tổn thương” nội tâm của chính mình.
Chúng ta thường chú tâm đến việc nâng cao sức khỏe thể chất mà đôi khi quên mất việc bồi đắp sức khỏe tinh thần. Cảm hứng sống tích cực, niềm tin vào chính mình, năng lực kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và hành động… đây là những yếu tố mà bạn cần để có sức khỏe tinh thần tốt.
Thi Thi chọn chăm sóc sức khỏe tinh thần trong mùa dịch
Sự “chữa lành” mà sức khỏe tinh thần mang đến không phải là điều hiện hữu quá rõ ràng, mà xuất phát từ nội tâm mỗi người cảm nhận. Mình cũng từng có những khoảng thời gian không mấy êm đềm, áp lực và căng thẳng rất nhiều. Mình từng vùng vẫy giữa việc đi tiếp - từ bỏ mục đích, con đường đã chọn. Sau đó, mình bình tâm bằng việc đọc sách tâm lý, tĩnh lặng suy nghĩ để tìm ra câu trả lời cho những xúc cảm thẳm sâu. Mình đã vượt qua tất cả với niềm tin rằng bản thân mình có giá trị. Khi bạn tin tưởng vào một điều gì đó thì niềm tin ấy sẽ “dìu” bạn đi qua vùng trời giông bão để tìm đến sự bình yên cho tâm hồn. Và ở nhà mùa dịch là khoảng thời gian chúng ta nên trân trọng và tận dụng nó để chăm sóc sức khỏe tinh thần”.