Trong những ngày người người, nhà nhà nghỉ làm tránh dịch Covid-19, Facebook đầy rẫy những status khoe tài nấu ăn của hội chị em. Những công thức nấu ăn tỉ mỉ, những mâm cơm đủ món được bài trí đẹp mắt… khiến người nhìn không khỏi thèm thuồng.
Thế nhưng, tài bếp núc của những bà vợ giỏi nữ công gia chánh ấy lại trở thành rắc rối của các cô vợ đoảng. Không ít cuộc cãi vã giữa các cặp vợ chồng trẻ cũng bắt nguồn từ đó.
Giống như chia sẻ vui của một bà vợ được ủng hộ rần rần mới đây: “Nếu tôi bị chồng bỏ, thì chị em hãy nhớ mình có một phần lỗi trong đó vì đăng quá nhiều món ăn ngon lên Facebook”.
Những cô vợ đoảng lao đao vì chuyện bếp núc khi ở nhà tránh dịch (Ảnh minh họa)
Chị Linh (Hà Nội) miêu tả quãng thời gian ở nhà tránh dịch của mình là “khó khăn chồng chất khó khăn”. Không chỉ đối mặt với những nỗi lo như giảm lương, mất việc, chị còn phải đối diện với chuyện bếp núc, vốn không phải thế mạnh của mình.
Chị Linh thừa nhận mình là một cô vợ đoảng. Trước nay, việc bếp núc trong nhà chị thường giao cho giúp việc, thi thoảng rảnh rỗi mới vào bếp nấu vài món xào, luộc đơn giản. Chị cũng không quá cầu kỳ trong chuyện ăn uống, lại bận bịu nên không có thời gian học nấu ăn.
Những ngày này, giúp việc xin nghỉ về quê tránh dịch, cái sự đoảng của chị mới dần lộ diện. Một ngày ba lần vào bếp, vật lộn với đống nồi niêu chị vẫn không nấu nổi một bữa ăn ngon, món quá mặn, món lại quá nhạt.
Không phải cô vợ nào cũng có tài bếp núc (Ảnh minh họa)
Chị dày công lên mạng tham khảo công thức làm các món ăn mới nhưng chưa từng thành công. Nhìn hội chị em đua nhau khoe cơm ngon, canh ngọt trên mạng, còn mâm cơm nhà mình thì nhạt nhẽo, chồng con cố ăn qua quýt cho xong bữa, chị không khỏi nản lòng.
Rắc rối to hơn là chồng chị cũng ở nhà tránh dịch, cũng lướt Facebook và thấy cả mớ đồ ăn ngon trên đó. Anh xuýt xoa loạt món ngon trên mạng rồi phàn nàn về bữa cơm vợ nấu khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng.
“Đỉnh điểm là khi anh ấy so sánh mình với vợ đồng nghiệp. Nào thì người ta cơm ngon canh ngọt cho chồng, vợ mình thì “thổi cơm cơm khét, muối cà cà chua”. Lần 1, lần 2 mình cho là đùa bỡn, đến lần thứ 3 thì ấm ức cãi lại. Vợ thì cho là chồng đòi hỏi, chồng lại bảo vợ vụng về, bảo thủ, không chịu học hỏi người khác. Vợ chồng lục đục giận nhau cả mấy ngày”, chị Linh kể.
Chị cũng thừa nhận, sự so sánh ấy khiến mình tự ti hơn. Từ trước đến giờ chị luôn nghĩ, mỗi người có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Chị không giỏi bếp núc nhưng lại biết dạy dỗ con, quán xuyến gia đình. Nhưng có lẽ, sau đợt nghỉ dịch này, chị phải suy nghĩ lại.
Sự vụng về đem lại rắc rối lớn cho các cô vợ đoảng (Ảnh minh họa)
Chị Phương Đoan (Mê Linh, Hà Nội) cũng rơi vào trường hợp tương tự. Chồng chị là người mê của ngon, vật lạ, thường tham gia các group ẩm thực. Nghỉ làm ở nhà tránh dịch, có nhiều thời gian rảnh rỗi, anh chàng chăm ghé thăm các nhóm đó rồi “gắn thẻ” vợ vào bài đăng khoe mâm cơm của hội chị em. Khi thì nhắn nhủ chị học cách làm món này, món nọ, khi thì mỉa mai vợ nấu vụng, không biết chăm lo bếp núc như “vợ người ta”. Vô tình, chị bị áp lực không nhỏ về chuyện nấu nướng.
“Cũng không phải lần đầu anh ấy phàn nàn về chuyện nấu ăn của tôi nhưng dạo gần đây thì gay gắt, căng thẳng hơn. Có hôm, tôi còn đọc được bình luận của anh ấy bên dưới bài đăng khoe mâm cơm của cô bạn thân là: “Em đảm quá. Giá mà vợ anh nấu ngon được bằng nửa thế này”. Tôi vừa buồn vừa xấu hổ với bạn bè nhưng chẳng lẽ vì chuyện cỏn con ấy mà cãi vã nhau”, chị Phương Đoan chia sẻ.
Một tuần nghỉ ở nhà tránh dịch của chị Hoàng Mai (Vĩnh Phúc) được xem là một tuần “đau thương”. Chị gặp rắc rối to vì sự vụng về và hay quên của mình.
Chị Mai có một bà mẹ chồng hoàn hảo trong chuyện bếp núc. Bà có thể nghĩ ra một thực đơn “ấm no” cho gia đình trong cả tuần mà không món nào trùng món nào. Chị thì ngược lại, nấu ăn là điểm yếu và sự khác biệt ấy khiến mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu nảy sinh.
Ngày ba bữa phụ mẹ chồng nấu ăn, chị căng thẳng cực độ. Mọi việc chị làm đều bị “chỉnh lại cho chuẩn” với lời lẽ nặng nề. Mẹ chồng chị cho rằng, một cô gái 27 tuổi mà không biết nấu xôi gà, thịt đông, canh cua, làm bánh… là chưa đủ điều kiện để làm vợ, làm dâu.
Càng bị nhắc nhở chị càng cuống nên đã đoảng lại đoảng thêm. Vỡ bát, cháy nồi, làm hỏng món ăn… chị đều “dính” cả. Chưa một lần nào đi chợ, chị mua đủ thực phẩm mẹ chồng cần vì tính hay quên. Mối quan hệ tốt đẹp trước đây giữa mẹ chồng – nàng dâu cũng vì thế mà nhạt đi.
“Mẹ chồng gọi chồng mình ra hỏi, từ lúc cưới nhau về đến giờ là gần 1 năm, hai vợ chồng sống thế nào. Chồng mình thật thà khai là phần lớn đi ăn tiệm. Hôm nào chán ăn tiệm thì tự nấu mỳ ở nhà. Mẹ chồng mình tức điên lên, mắng mình không đủ tư cách làm vợ. Bà còn bảo, sang nhà bạn chơi, thấy con dâu họ đảm đang, khéo léo, mỗi bữa cơm đều vẽ vời món này món nọ mà phát thèm. Mình vừa buồn vừa sợ”, Mai chia sẻ.
Chị Mai thú nhận, sự vụng về trong “nữ công gia chánh” khiến cuộc sống khó khăn hơn bội phần, nhất là khi đã có gia đình. Vì vậy, trong thời gian nghỉ ở nhà tránh dịch, thay vì đọc sách, xem phim, nghỉ xả hơi, chị phải chăm chỉ vào bếp để cải thiện khả năng nấu ăn của mình.