Công nghệ bắt việt vị bán tự động là gì?
Tại World Cup 2022, lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu, công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT - semi-automatic offside technology) được sử dụng.
Vì SAOT lần đầu được sử dụng tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh, nên ngay cả những người theo dõi bóng đá thường xuyên cũng chưa chắc đã nắm hết được thông tin.
SAOT được hiểu là công nghệ sử dụng 12 camera theo dõi chuyên dụng được gắn bên dưới mái vòm ở các sân bóng đá để theo dõi quả bóng cũng như các cầu thủ. Với 29 điểm dữ liệu được thu thập liên tục từ những cầu thủ cùng với tốc độ phân tích 50 lần/giây, SAOT dễ dàng tính toán chính xác vị trí từng cầu thủ trên sân và hoạt động của các bộ phận có thể dẫn đến tình huống việt vị.
Việc quả bóng Al Rihla được Adidas thiết kế đặc biệt cũng giúp tổ trọng tài VAR nhanh chóng phát hiện các trường hợp việt vị. Nhưng để cho chắc ăn, tổ trọng tài VAR sẽ tiếp tục thực hiện thêm thao tác kiểm tra thủ công, rồi sau đó mới thông báo kết quả cho trọng tài chính.
Nhờ công nghệ, các phân tích và báo cáo của tổ VAR sẽ nhanh chóng được đưa đến trọng tài chính để đưa ra quyết định. Ngay sau khi sử dụng SAOT, một video 3D sẽ xuất hiện trên màn hình sân vận động lẫn màn hình tivi để giải thích quyết định của trọng tài. Vì thế, nhờ SAOT, quyết định việt vị sẽ nhanh và chính xác hơn nếu chỉ dùng mỗi VAR.
Argentina và Messi không hề “bị oan”, Ecuador cũng vậy
Ở hiệp 1 trận thua sốc 1-2 của Argentina trước Saudi Arabia, Messi và các đồng đội đã bị thổi việt vị tới 7 lần, con số kỷ lục tại một kỳ World Cup và kèm theo là 3 bàn bị từ chối. Nếu như các trường hợp khác khá rõ ràng, tình huống tiền đạo Lautaro Martinez thoát xuống bấm bóng vào khung thành tinh tế bị thổi phạt gây ra nhiều tranh cãi. Lý do là bởi, đường kẻ mỏng cho thấy ống tay áo của Lautaro chỉ vượt lên trên mũi giày hậu vệ của Saudi Arabia một khoảng cách rất nhỏ.
Lautaro Martinez bị thổi phạt việt vị là hoàn toàn chính xác
Câu chuyện càng trở nên rắc rối, bởi sau trận trang web Flashscore xử lý lại hình ảnh Lautaro Martinez bị thổi phạt việt vị.
Theo phân tích của Flashscore, công nghệ của FIFA chỉ kẻ vạch so sánh với người đứng gần Martinez nhất, chứ không so sánh với các hậu vệ khác, cụ thể ở đây cầu thủ số 13 của Saudi Arabia xem ra là người đứng dưới cùng.
Nhưng với những người am hiểu luật và công nghệ, các trọng tài đã hoàn toàn đúng. Thứ nhất, đường chỉ để phân biệt lằn ranh việt vị chứ không bắt theo cầu thủ Saudi Arabia gần Martinez nhất.
Thứ hai, không thể lấy hình ảnh chụp màn hình để dóng hàng, trừ khi bạn có góc quay chính diện. Lý do là bởi qua ống kính, hình ảnh sẽ bị méo nên bạn sẽ có cảm giác số 13 của Saudi Arabia đứng thấp nhất.
Trường hợp bắt việt vị ở trận khai mạc giữa chủ nhà Qatar và Ecuador cũng khiến nhiều người hâm mộ thắc mắc.
Ngay đầu trận, Enner Valencia của Ecuador đã đưa được bóng vào lưới Qatar dù anh không hề việt vị, nhưng đồng đội của anh lại bị thổi phạt trong một tình huống khá hi hữu và nếu không hiểu luật, việc thắc mắc là không tránh khỏi.
Cụ thể, ở pha đá phạt của Ecuador, khi bóng được treo vào vòng cấm của Qatar, 2 hậu vệ của đội chủ nhà Michael Estrada và Abdelkarim Hassan đã bị che khuất trong tình huống tranh chấp 50-50 giữa Torres (Ecuador) và thủ môn Al-Sheeb (Qatar).
Trọng tài vẫn đúng ở tình huống này
Xem lại tình huống, khi thủ thành Al-Sheeb lao ra, chỉ còn một cầu thủ Qatar đứng dưới cùng là Hassan, trong khi Torres là người chạm bóng trước khi tới vị trí của Estrada. Khi đó, đứng dưới Estrada chỉ còn Hassan, nên công nghệ SAOT bắt việt vị Estrada là hoàn toàn chính xác.
Vì theo luật việt vị của FIFA, cầu thủ sẽ bị thổi phạt nếu bất kỳ bộ phận nào là đầu, cơ thể và chân ở bên phần sân đối phương, hoặc bất kỳ bộ phận nào là đầu, cơ thể và chân ở gần với vạch vôi khung thành hơn là trái bóng và cầu thủ đứng thấp thứ nhì của đối phương.
Như vậy, cả 2 trường hợp bắt việt vị gây tranh cãi nhất kể từ ngày World Cup 2022 khởi tranh đều chính xác. Chỉ có khác, Argentina của Messi bại trận, còn Ecuador xuất sắc giành chiến thắng 2-0 đầy thuyết phục.