Dạo này trên mạng đang rần rần trước câu quote: "Ngẫm thấy nghề chọn người chứ người đâu có ai chọn đi làm". Thiệt, đi làm ngoài lúc lãnh lương ra thì giây phút nào cũng mệt mỏi đè trên vai...
Chuyện bất đồng trong cách làm việc với đối tác, chuyện tự dưng mình... nổi hứng lười, tự dưng muốn... hành mọi người xung quanh vốn dĩ rất thường và xảy ra đối với bất kể ai. Ngôi sao cũng không nằm ngoài lòng luẩn quẩn này. Chẳng ngôi sao nào có trách nhiệm phải nói "Có" với tất cả. Nhưng tất cả ngôi sao đều phải có trách nhiệm nói "Không" một cách văn minh.
Lời từ chối thốt ra sau khi đã nhận cục tiền "siêu to khổng lồ", lờ đi giao kèo ban đầu với ekip thật sự rất khó dung tha. Ví như "sao chổi" trong câu chuyện mà Chuyện ông sao sắp nói đến đây.
Có một anh diễn viên nọ, vốn nổi tiếng mặn mòi lại siêng làm clip parody hài hước nên được khán giả quý mến. Nhờ hiệu ứng tốt nên một agency có tiếng liên hệ anh để xuất hiện trên một livestream quảng bá sản phẩm.
Tiền trao cháo múc, ban đầu anh chẳng hề ý kiến gì. Kịch bản, tất tần tật đều được gửi trước một tuần để anh xem qua và học thuộc. Ai cũng biết, một sự kiện phát sóng trực tiếp luôn yêu cầu độ chỉn chu, hoàn thiện ở mức cao nhất và đương nhiên điều đó sẽ không xảy ra nếu nhân vật chính lật kèo phút 89. Và cơn ác mộng ấy ập tới sau một tin nhắn của anh diễn viên: "Mai kêu khách tự live đi. Đưa cái tập làm văn đó ai nhớ nổi".
Ơ kìa, chỉ còn vài tiếng nữa event diễn ra mà anh nói vậy coi sao đặng? Nuốt cục tức vào người, ekip vẫn dỗ ngon dỗ ngọt để anh đến trót lọt. À ừ anh cũng đến, nhưng 9h30 lên sóng thì 9h45 xe hơi của anh mới chầm chậm chạy tới. Nhưng thế đã hết đâu, đến rồi anh cũng chẳng chịu bước xuống xe mà bắt bảo vệ mở đường riêng cho chạy thẳng vô phòng chờ. Thiếu điều anh yêu cầu ekip trải thảm đỏ hoa hồng, mang kiệu gỗ ra khiêng vào... Nói ra thì anh cũng chưa phải sao hạng A, sao quyền lực hay super star gì, nhưng sao lại yêu sách và tuỳ hứng đến thế?
Đúng như dự đoán, kịch bản vỏn vẹn vài câu anh vẫn chưa đọc một chữ. Xuống livestream chào mà anh phải nhờ một nhân viên ở quầy sản phẩm lên đứng cùng để đỡ lời, còn anh thì cứ mỉm cười cho qua chuyện. Hài nhất ở chỗ, tên sản phẩm mà anh nhận tiền để quảng cáo... anh vẫn không nắm được.
Là người ngoài cuộc mà nghe xong câu chuyện này, chúng tôi chỉ biết ước Doraemon có thật để give-away mỗi agency và brand một cái cỗ máy quay ngược thời gian, sửa sai mọi lỗi lầm.