Có nhiều người quá quen với sự cô đơn hoặc cảm thấy “một mình vẫn ổn”. Nhưng với nhiều người, nguyên nhân khiến họ vẫn lẻ bóng sâu xa hơn là vì chưa tìm thấy người phù hợp với mình.
Có một tình trạng rất phổ biến nhưng không được biết đến rộng rãi khiến mọi người không thể yêu và xây dựng các mối quan hệ thân thiết, hãy cùng tìm hiểu xem đó là gì nhé!
Tại sao một số người không thể yêu
Các nhà tâm lý học cho rằng có rất nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ví dụ, bạn có thể là người nhút nhát và tự ti. Trong trường hợp này, bạn tin rằng không có ai yêu mình, và suy nghĩ này vô tình trở thành rào cản khiến bạn không thể yêu thương.
Một lý do khác đó là bạn theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Bạn tạo nên một hình mẫu người yêu lý tưởng trong đầu, và tự ngăn bản thân không cho người khác cơ hội vì họ không đáp ứng đủ kỳ vọng hay tiêu chuẩn như hình mẫu của bạn. Kỳ vọng quá cao khiến bạn không thể yêu những người “không đủ tốt”.
Nhưng có một nguyên nhân khác khiến bạn không thể chạm tới tình yêu mà ngay cả bạn cũng không nhận ra: Chứng từ chối phụ thuộc.
Một số dấu hiệu của chứng từ chối phụ thuộc bao gồm:
Xa cách với mọi người
Khước từ những người có ý định làm quen
Lo lắng / trốn tránh các mối quan hệ thân mật
Thường xuyên sợ mắc lỗi
Cố gắng rất nhiều với mong muốn trở nên hoàn hảo
Hạn chế yêu cầu người khác giúp đỡ
Luôn bận rộn và không có thời gian để làm bất cứ điều gì khác
Những người mắc chứng từ chối phụ thuộc nói chung là những người nói KHÔNG với sự thân mật và gắn bó.
Những người như vậy rất dè dặt: họ đòi hỏi nhiều không gian cá nhân và không thích bất kỳ ai xâm phạm thế giới của riêng họ, vì họ sợ thể hiện sự dễ bị tổn thương hoặc yếu đuối.
Tuy nhiên, nhìn bên ngoài, những người này thường trông “bình thường”. Họ toát lên sự tự tin, thành công và độc lập, và họ rất cố gắng để chèo lái bản thân theo con đường ‘Độc lập – Tự do – Hạnh phúc’. Họ cho thấy bản thân không cần bất cứ ai, mặc dù thực tế không phải như vậy. Bởi bên trong thâm tâm, họ cảm thấy rất bất an, thiếu thốn và luôn gặp thất bại trong các mối quan hệ của mình.
Họ chưa bao giờ học cách trải nghiệm sự thân mật gần gũi
Giống như hầu hết các vấn đề tâm lý, tất cả đều xuất phát từ những trải nghiệm thời thơ ấu. Có thể trước đây họ đã từng đã bộc lộ điểm yếu của mình nhưng bị bỏ qua hoặc thậm chí bị đem ra làm trò cười. Và từ đó họ học được rằng họ chỉ nên tỏ ra mạnh mẽ và độc lập. Nguyên nhân phổ biến nhất của hành vi từ chối phụ thuộc là thiếu tình cảm yêu thương và chia sẻ của cha mẹ, hoặc từng bị ngược đãi khi còn nhỏ (thể chất hoặc tình cảm).
Vì vậy, trẻ em học cách từ chối gần gũi để tránh tổn thương. Những vết thương trước đây dạy họ rằng xung quanh họ không một ai đáng tin. Lớn lên họ ngại gần gũi và cởi mở với mọi người. Sự thân mật và âu yếm là cách người ta thể hiện tình cảm khi yêu, còn những người từ chối phụ thuộc lại né tránh sự tiếp xúc gần gũi và từ chối yêu.
Nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi.
Một số người cảm thấy ổn theo cách của họ và không cần các mối quan hệ tình cảm nam nữ, họ quyết định tập trung vào sự nghiệp hoặc các khía cạnh khác của cuộc sống. Tuy nhiên, có những người vẫn nỗ lực tìm kiếm mối quan hệ thân mật nhưng lại bất lực. Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn khắc phục vấn đề này:
Tìm hiểu thêm về bản thân: Đọc sách, báo về tâm lý, đặt câu hỏi, và suy ngẫm về những kỷ niệm và cảm xúc của bạn. Bước đầu tiên là hiểu và chấp nhận vấn đề, sau đó, bạn có thể bắt tay vào giải quyết.
Tham gia một nhóm hỗ trợ: Bạn có thể cố gắng khắc phục vấn đề này một mình. Cố gắng mở lòng, chia sẻ về cảm xúc của bản thân và cởi mở với người khác hơn. Sẽ dễ dàng hơn khi thực hành cùng những người đang gặp vấn đề tương tự. Bạn cũng có thể tham gia một lớp học có thể giúp bạn cảm thấy an toàn hơn, và tìm hiểu về ranh giới cảm xúc của bản thân.
Nhờ sự giúp đỡ từ chuyên gia: Nếu việc tự mình cố gắng thật khó khăn, bạn có thể trò chuyện với bác sĩ tâm lý. Hãy chia sẻ với họ về vấn đề của bạn, và họ sẽ giúp bạn tìm ra cốt lõi của vấn đề, vượt qua những cảm xúc bạn đang kìm nén và cởi mở hơn.