Câu chuyện này xảy ra vào năm 1992 ở Trung Quốc. Sau một trận mưa lớn, một dân làng ở huyện Long Du, thành phố Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, ra đồng kiểm tra mùa màng. Khi đi qua một cái ao lớn ngoài làng, người này thấy cá trong ao quẫy mạnh khiến nước bắn tung tóe nên đã quyết định thả lưới. Kết quả, anh ta bắt được một con cá chép lớn nặng hơn 15 kg.
Sự việc này nhanh chóng được lan truyền khắp làng. Nhiều người dân cho rằng cái ao này chắc chắn còn nhiều cá lớn nên đã kéo nhau đến xem. Để nhanh chóng bắt được cá, người dân đã huy động 5 máy bơm đến để rút sạch nước trong ao. Tuy nhiên, một điều kỳ lạ đã xảy ra. Người dân cho biết, dù cái ao này không lớn nhưng 5 chiếc máy bơm hoạt động hết công suất suốt nhiều ngày mà vẫn chưa thể rút hết nước trong đó.
Ảnh: Sohu
Cũng vì lý do này, họ bắt đầu nghi ngờ đây là một "cái ao không đáy". Để tìm câu trả lời, người dân trong làng vẫn tiếp tục bơm nước ra khỏi ao. Phải đến ngày thứ 17, đáy của cái ao này cuối cùng cũng lộ diện. Trái với sự kỳ vọng ban đầu của mọi người, trong ao không có con cá nào, thế nhưng cảnh tượng trước mắt khiến tất cả những người có mặt ở đó đều phải ngỡ ngàng.
Theo đó, ngay dưới ao, một hang động khổng lồ xuất hiện. Quy mô của nó lớn đến mức khiến con người khi bước vào trong bỗng trở nên thật nhỏ bé. Theo ước tính, hang động này sâu hàng chục mét, được bao quanh bởi những bức tường đá cứng và dày. Sau khi quan sát, dân làng còn phát hiện hang động này có một bậc thang dẫn vào bên trong.
Ảnh: Sohu
Ban đầu, dân làng cho rằng đây chỉ là một hang động đơn lẻ. Tuy nhiên, khi họ dùng máy bơm để rút hết nước của một số ao gần đó, những hang động tương tự cũng lần lượt xuất hiện. Chúng kết nối với nhau tạo thành một quần thể hang động khổng lồ, kỳ vĩ.
Sự việc gây chấn động này đã được người dân báo cho chính quyền địa phương. Ngay sau đó, cơ quan chức năng cùng các chuyên gia đã có mặt tại hiện trường để khảo sát. Số liệu đo được cho thấy, mỗi hang động trong quần thể này có diện tích sàn rộng hàng nghìn m2 và trần cao tới 30m. Toàn bộ hệ thống gồm 24 hang động trải dài với diện tích sản hơn 30.000 m2.
Ảnh: Sohu
Sau một thời gian dài nghiên cứu, các chuyên gia nhận định rằng quần thể hang động này có thể được tạo tác vào năm 212 trước Công nguyên, có niên đại hơn 2.000 năm. Qua thời gian, chúng vẫn giữ được những đặc điểm đặc trưng của lối kiến trúc cổ đại như có mái dốc, được chống đỡ bằng trụ cột được đục từ đá. Đặc biệt, một số mảng tường và trụ cột được chạm khắc nghệ thuật khiến khung cảnh trong hang động càng trở nên huyền ảo.
Với những manh mối thu thập được, các chuyên gia cho rằng đây không phải là một hang động được hình thành tự nhiên mà là hang động nhân tạo. Tuy nhiên, vì không có tài liệu nào liên quan tới công trình này được phát hiện, do đó, họ còn tính tới một một khả năng khác là các hang động này vốn được hình thành một cách tự nhiên nhưng được con người tác động để mở rộng và kết nối chúng lại với nhau.
Ảnh: Sohu
Đặc biệt, các chuyên gia còn phát hiện ra rằng cấu trúc trong mỗi hang động này đều có tỷ lệ giống nhau, song song với nhau và được hoàn thiện theo cùng một phong cách. Với những cấu trúc có kích thước lớn nhưng độ chuẩn xác cao đến như vậy, các chuyên gia cho rằng những người thợ cổ đại đã phải dùng đến những công cụ đo lường cực kỳ tiên tiến và có một bản thiết kế được tính toán rất tỷ mỉ thì mới có thể tạo nên một công trình hoàn hảo đến như vậy. Tuy nhiên, nếu so sánh với công nghệ hiện nay, cách thức mà người xưa sử dụng để xây dựng được công trình trên vẫn là một ẩn số chưa có lời giải.
Với vẻ đẹp huyền ảo cùng lối kiến trúc độc đáo và những bí ẩn xoay quanh, quần thể hang động Long Du ngày nay đã trở thành là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Chiết Giang, thu hút hàng nghìn lượt khách ghé thăm mỗi năm. Còn đối với người dân địa phương nơi đây, hang Long Du từ lâu đã là "Kỳ quan thứ 9 của thế giới cổ đại" trong mắt họ.
Theo Sohu