Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Đại học Quốc gia về Dịch vụ công Hungary và Đại học Charleston (Mỹ) đã đưa ra ước tính mới về sự vĩ đại của Vạn Lý Trường Thành Hercules - Corona Borealis, cấu trúc lớn nhất mà nhân loại từng ghi nhận trong vũ trụ.
Theo phép đo mới dựa trên độ dịch chuyển đỏ của 542 vụ bùng nổ tia gamma, siêu vật thể này dài tận 15 tỉ năm ánh sáng, tức vượt xa kích thước cũ tận 50%.
Các vụ nổ tia gamma là những sự kiện bùng nổ năng lượng mạnh mẽ nhất trong vũ trụ, thường xảy ra trong các sự kiện cực đoan như sự sụp đổ lõi của các siêu tân tinh dẫn đến sự hình thành lỗ đen, hoặc sự va chạm giữa hai sao neutron.
Vì lỗ đen và sao neutron đều hình thành từ các ngôi sao khổng lồ, nên các vụ nổ tia gamma thường liên quan đến quần thể các ngôi sao lớn, vốn tập trung trong các thiên hà.
Do vậy, chúng cũng là những điểm đánh dấu rực sáng thể hiện các phần của các siêu cấu trúc.
Trong khi đó, độ dịch chuyển đỏ là hiện tượng ánh sáng từ các vật thể ở xa bị kéo dài về phía các bước sóng đỏ hơn do sự giãn nở của vũ trụ, là một thước đo đáng tin cậy về khoảng cách vũ trụ.
Hơn 1 thập kỷ trước, các tác giả chủ chốt của nhóm nghiên cứu nói trên đã ước tính Vạn Lý Trường Thành Hercules - Corona Borealis dài khoảng 10 tỉ năm ánh sáng. Ước tính đó dựa trên độ dịch chuyển đỏ của 283 vụ bùng nổ tia gamma.
Phát hiện này đặt ra một thách thức không nhỏ đối với nguyên lý vũ trụ học mà giới khoa học đang chấp nhận rộng rãi.
Theo nguyên lý vũ trụ học, một cấu trúc có kích thước lớn hơn khoảng 1,2 tỷ năm ánh sáng đã được coi là một bất thường lớn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số cấu trúc vượt quá giới hạn này.
Vạn Lý Trường Thành Hercules - Corona Borealis là ngoại lệ đặc biệt nhất trong số đó, là bằng chứng cho thấy nhiều điều trong vũ trụ vẫn nằm ngoài sự hiểu biết hiện tại của nhân loại.