Vương Soái, 30 tuổi, sống tại một vùng nông thôn nghèo ở Trung Quốc. Vì gia cảnh khó khăn nên từ lúc trưởng thành đến bây giờ anh chưa từng yêu ai.
Thông qua người mai mối, bố mẹ Vương Soái đã tìm cho con trai một cô vợ tên Từ Lê 18 tuổi. Nhà trai đã tốn đến 60.000 tệ (gần 200 triệu đồng) tiền sính lễ để có thể rước cô về làm con dâu. Tuy nhiên, sau đám cưới, gia đình anh Vương cảm thấy cô con dâu mới vô cùng kỳ lạ.
Vương Soái thấy vợ mình không những không nói chuyện mà còn không ăn, liên tục nôn mửa và không ngừng than vãn khó chịu. Qua quan sát, người nhà Vương Soái nhận thấy Từ Lê không thể tự mình đi tắm hay vệ sinh cá nhân.
Trước đó, khi cha Vương Soái và bà mối đến đặt vấn đề, bà của Từ Lê không hề nói về tình trạng của cô. Xuất phát từ sự lo lắng con trai "ế" nên ông Vương mới vội vàng, tuy nhiên không ngờ chính sự vội vàng lại đẩy con trai ông vào thế khó xử.
Biết được vợ mình là người không bình thường, anh Vương quả quyết từ bỏ cuộc hôn nhân này. Vương Soái đưa Từ Lê về nhà cô ấy và đòi lại tiền sính lễ nhưng đằng gái lại từ chối trả với lý do "cô ấy đã mất danh tiếng sau khi về nhà chồng".
Bố mẹ Từ Lê cũng tàn tật. Mọi việc trong nhà đều dựa vào bà của Từ Lê.
2 bên thông gia đã có cuộc tranh cãi gay gắt. Đôi bên đổ lỗi cho nhau, còn 2 nhân vật chính thì ngồi im chịu trận. Cuộc hôn nhân do cha mẹ và bà mối sắp đặt này ngay từ đầu đã là một sai lầm.
Hai bên không thống nhất được với nhau, nhà họ Vương rất suy sụp. Gia đình họ ngay từ đầu đã không giàu có, chỉ hy vọng sẽ dùng tất cả số tiền tiết kiệm được để tìm một người vợ cho con trai mình, nhưng ai có thể ngờ rằng xảy ra chuyện như vậy.
Vương Soái và bố của anh ấy. Ảnh: 163.com
Ở một số vùng nông thôn Trung Quốc, những người đàn ông nghèo rất khó có thể tìm được vợ.
“Báo cáo khảo sát về quan hệ hôn nhân của thanh niên nông thôn ở Thanh Đảo, Trung Quốc” chỉ ra rằng mục tiêu của phụ nữ trẻ nông thôn là định cư ở thành phố; đàn ông lớn tuổi chưa lập gia đình sống ở nông thôn có chất lượng văn hóa thấp và nền tảng kinh tế yếu, không thu hút được những phụ nữ đã thích nghi với nhịp sống và môi trường đô thị, dẫn đến sự mất cân đối nghiêm trọng về tỷ lệ nam nữ thanh niên ở lại nông thôn.
Tình trạng nam thanh niên nông thôn không lấy được vợ tồn tại với mức độ khác nhau ở các vùng nông thôn khắp Trung Quốc, thậm chí có làng trở thành “làng trai ế vợ”.
Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc tích cực tạo điều kiện để giải quyết. Bộ Nội Chính kết hợp với các ban ngành liên quan, đã thành lập một số khu vực thử nghiệm để cải cách phong tục hôn nhân trên toàn quốc, phản đối thách cưới cao và xóa bỏ hủ tục tảo hôn, xây dựng phong tục hôn nhân lành mạnh, đề ra các biện pháp cụ thể giúp giảm thiểu chi phí kết hôn cho thanh niên nông thôn.