Thứ nhất, Cơ quan Mật vụ Mỹ không cẩn thận, không phản ứng nhanh, không gần như luôn luôn bảo đảm an toàn cho yếu nhân như nhiều người vẫn tưởng, như Hollywood vẫn thể hiện trên màn bạc. Đội tiền trạm của Cơ quan Mật vụ đã không kiểm tra kỹ, xử lý tốt hiện trường, đặc biệt là các tòa nhà, cao điểm xung quanh sân khấu nơi ông Trump đứng. Hậu quả là, một người mang súng trường AR-15 (ở Mỹ, AR-15 là súng trường thể thao hiện đại, là phiên bản dân sự bán tự động của súng trường tấn công M16) leo lên được mái tòa nhà 1 tầng cách nơi ứng viên tổng thống phát biểu chưa đầy 150m, rồi nã một loạt đạn về phía ông.
Trong một bài huấn luyện cơ bản, tân binh Mỹ phải dùng M16 bắn trúng hình nộm to bằng người thật ở khoảng cách 150m. Tuy AR-15 có thể hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết, có độ chắc chắn, linh hoạt, chính xác cao, nhưng không thể so sánh với súng bắn tỉa.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người bắn ông Trump không dùng AR-15 mà là một khẩu chuyên dụng AI AXSR, AI AT308 hay Barrett Mk22 MRAD? Các nhân viên an ninh được trang bị tận răng nằm trên các mái nhà xung quanh hiện trường có lẽ cũng có phần trách nhiệm. Sau một loạt đạn của hung thủ, họ đã bắn hạ tay súng 20 tuổi. Hoặc là họ chậm trễ trong việc phát hiện tay súng lạ mặt hoặc là họ kịp thời phát hiện, nhưng không kịp thời vô hiệu hóa nguy cơ chết người ấy.
Thứ hai, nạn nhân, nhân vật chính của vụ mưu sát trong tình huống “chỉ mành treo chuông”, “ngàn cân treo sợi tóc” vẫn bình tĩnh, dũng cảm, khôn ngoan khi có hành động, lời nói “đánh thức trái tim”, đi vào lòng người, tạo ra khoảnh khắc mang tính biểu tượng. Trong đoạn video dài khoảng 2 phút rưỡi được lưu hành rộng rãi trên mạng, người ta thấy sau khi các nhân viên mật vụ (cả nam lẫn nữ) lấy thân mình che chắn cho ông Trump, ông vụt đứng lên, giơ nắm đấm vuông vức lên cao và hô to “chiến đấu, chiến đấu”.
Tai phải ông đỏ màu máu, má ông chảy dài 2 vệt máu song song, miệng há to truyền thông điệp tới đám đông, sau lưng ông là quốc kỳ Mỹ tung bay trong gió. Hình ảnh đầy ấn tượng thị giác ấy có lẽ khiến nhiều người liên tưởng bức họa vẽ bà Marianne “Tự do dẫn đường cho nhân dân” của danh họa Pháp Eugene Delacroix, hoặc bức ảnh “Dựng cờ chiến thắng trên đảo Iwo Jima” chụp ngày 23/2/1945, ghi lại cảnh 5 lính thủy đánh bộ Mỹ và một y tá quân y của hải quân Mỹ dựng quốc kỳ Mỹ trên đỉnh núi Suribachi trong trận Iwo Jima thời Thế chiến thứ hai.
Dù gợi liên tưởng tới sự kiện gì thì chắc chắn khoảnh khắc “chiến binh suýt mất mạng” Donald Trump “truyền lửa” giữa đám đông chắc chắn sẽ đem lại cho ông nhiều lá phiếu ủng hộ trong đợt bầu cử tháng 11 tới. Vẫn trong đoạn video, trước khi lên xe đến bệnh viện, ông Trump lại rướn người, đưa cánh tay lên cao, trong khi đám đông ủng hộ vẫn không ngừng hô “Nước Mỹ, nước Mỹ”.
Thứ ba, nước Mỹ có thể sẽ vĩ đại trở lại, nước Mỹ có thể vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nhưng nước Mỹ chưa thể giảm thiểu, chứ đừng nói là chấm dứt các hình thức bạo lực, từ bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tài chính, bạo lực tình dục tới bạo lực chính trị.
Bốn tổng thống Mỹ bị ám sát khi còn đương chức (gần đây nhất là John F. Kennedy năm 1963). Việc ông Trump bị bắn sẽ trở thành nỗi ám ảnh của chính giới và lực lượng mật vụ Mỹ trong nhiều năm, gợi nhớ vụ ám sát ứng viên đảng Dân chủ Robert F. Kennedy năm 1968. Gần đây hơn, năm 2011, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Gabrielle Giffords bị tổn thương não sau khi bà bị bắn vào đầu tại một sự kiện khiến 6 người thiệt mạng…