Thầy Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng trường Bách khoa mới đây đã trả lời phỏng vấn báo Trí Thức Trẻ về tình hình đào tạo của nhà trường.
Thầy Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Kenh14.vn)
Cuộc phỏng vấn thầy Tớp diễn ra trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2019, kỳ thi quyết định việc xét tuyển ĐH, CĐ năm nay. Chia sẻ về công tác tuyển sinh của nhà trường, thầy Tớp cho biết, năm nay chỉ tiêu có giảm nhưng như vậy không có nghĩa là trường hạ chất lượng tuyển sinh. Đã có những năm trường chỉ tuyển được 92%, năm thì tuyển 103% nhưng thực sự số tân sinh viên trúng tuyển nhiều hơn nhập học nên hầu hết các năm sẽ gọi dư ra chỉ tiêu.
Về chương trình giảng dạy, thầy Tớp nói trường có một loại chương trình thực sự tinh hoa dành cho những bạn giỏi nhất đã trúng tuyển vào ĐH Bách Khoa Hà Nội và một loại chương trình tài năng đã duy trì được 16 năm qua. Hầu hết sinh viên có tố chất tốt, có điểm đầu vào đạt, sẽ học các lớp số lượng ít với thầy cô giỏi và mức học phí ngang bằng chương trình đại trà hoặc chỉ nhỉnh hơn 5 - 7%.
Nói về việc Bách khoa luôn là điểm nóng về đuổi học, thầy Tớp cho hay, mỗi năm trường buộc thôi học khoảng 600 - 800 sinh viên. Một phần sinh viên ra trường mà không có bằng vì không được tốt nghiệp do bị đuổi, một phần đi du học, một phần nữa thì chuyển trường hoặc chuyển ngành do thi theo nguyện vọng của bản thân, gia đình và học một thời gian mới nhận ra không hợp.
Theo thầy Tớp, tỷ lệ sinh viên Bách khoa tốt nghiệp đúng hạn theo chương trình chuẩn rất thấp, ra trường sớm theo chương trình chuẩn càng thấp. Tuy nhiên, những năm nay, tỷ lệ này đang dần được cải thiện. Năm 2018, lần đầu tiên trường đã có 4.300/5.300 sinh viên tốt nghiệp đúng hạn.
Cũng theo thầy Tớp, chương trình học tại ĐH Bách khoa Hà Nội chạy rất nhanh, sinh viên mới vào trường vừa nghe giảng vừa chép "kín mít 6 cái bảng trong vòng 3 tiếng đồng hồ". "Nói chung về cơ bản các em có tố chất và năng lực rất tốt mới vào Bách khoa được, nhưng đôi khi các em không giữ được sự chăm chỉ sẽ bị đào thải. Hầu như không có học sinh nào giữ được phong độ như thời lớp 12.", Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định.
Thầy Tớp cho rằng, chương trình học của Bách khoa được so sánh ngang bằng với chương trình học của các trường hàng đầu chứ không phải quá nặng. Ví dụ, Toán và khoa học cơ bản của một khoa thì có 32 tín chỉ, riêng Toán là 20 tín chỉ. "Các thầy giáo ở Bách Khoa được cái luôn nghĩ rằng sinh viên Bách Khoa là phải giỏi. Mặc dù mấy năm nay các thầy đã áp dụng các phương pháp thi, đánh giá khác đi, ít đánh đố với học trò.", thầy Tớp chia sẻ.
Tuy vậy, thầy Hiệu phó Bách khoa cũng tiết lộ nhà trường đang thực hiện một chương trình đào tạo "lớp học đảo ngược" mà theo thầy miêu tả là "Ngày xưa lên lớp là thầy đọc trò chép và đến thi, còn bây lý thuyết sẽ học ở nhà, bài tập sẽ làm trên lớp"./.