Bước 1: Lập một cuốn sổ ghi chép
Khi bắt đầu tiết kiệm, rất nhiều người thường không biết nên chọn phương tiện nào để ghi chép một cách chi tiết nhất. Tốt nhất là hãy dùng một cuốn sổ nhỏ để ghi lại các khoản chi tiêu. Việc tự tay viết ra các chi phí giúp bạn ghi nhớ nhiều thông tin hơn so với việc gõ chữ trên màn hình.
Việc ghi chép chi tiêu cho gia đình do Hani Motoko phát minh tại Nhật vào năm 1904. Và cô ấy được coi là nhà báo nữ đầu tiên của đất nước mặt trời mọc.
Bước 2: Kế hoạch thu nhập hàng tháng
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là hãy bắt đầu bằng cách viết ra tất cả các nguồn thu nhập của bạn và số tiền bạn thực sự kiếm được trong một tháng. Tạo 4 cột tương ứng với 4 tuần trong 1 tháng. Sau đó, hãy lập một bảng cho mỗi tuần hoặc thậm chí viết bằng gạch đầu dòng, cột hoặc bất cứ kiểu nào giúp bạn dễ hiểu và dễ ghi nhớ.
Vào đầu tháng, hãy viết thu nhập mà bạn chắc chắn rằng sẽ nhận được bằng mực đỏ. Sau đó, viết các khoản chi tiêu trong tháng bằng màu xanh lá. Hãy ghi chú từng khoản tiền dù là nhỏ nhất mà bạn đã tiêu
Bước 3: Kế hoạch tiết kiệm hàng tháng
Vẽ một bảng khác thể hiện số tiền bạn muốn tiết kiệm mỗi tuần trong từng tháng. Điều quan trọng là phải quyết định số tiền này trước khi bạn bắt đầu lập kế hoạch chi tiêu của mình.
Bước 4: Kế hoạch chi tiêu hàng tháng
Bước tiếp theo là ghi lại các chi phí hàng tháng của bạn. Viết ra bất kỳ chi phí cố định nào bạn có trong tháng đó, chẳng hạn như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, hóa đơn điện thoại hoặc hóa đơn Internet.
Bước 5: Kế hoạch cho các chi phí mỗi tháng
Số tiền dành cho chi phí mỗi tháng (không bao gồm tiền đã tiết kiệm) nên được chia thành 4 loại. Loại thứ nhất dành cho các chi phí sinh hoạt như ăn uống, quần áo, gas, sản phẩm gia dụng... Loại thứ hai bao gồm chi phí văn hóa và giáo dục, có thể bao gồm vé tham dự các cuộc triển lãm bảo tàng hoặc các khóa học giáo dục. Danh mục thứ ba là chi phí giải trí. Và mục cuối cùng là tất cả các chi phí khác.
Bước 6: Phân tích cuối tháng
Vào cuối tháng, hãy phân tích mọi thứ và xem liệu bạn có ở trong giới hạn chi tiêu như trong kế hoạch không. Lúc này bạn có thể nắm được số tiền bạn chi tiêu cho những thứ không thật sự cần của tháng đó và lập kế hoạch ngân sách tốt hơn cho tháng sắp tới.
Bước 7: Tăng tiền tiết kiệm
Cuối tháng, nếu bạn còn dư tiền chi tiêu, hãy cố gắng đưa vào tài khoản tiết kiệm hoặc gửi phần còn lại vào một con heo đất. Làm theo phương pháp này, bạn có thể tiết kiệm tới 35% khoản thu nhập mỗi tháng.
Mẹo nhỏ là hãy luôn bỏ cuốn sổ ghi chép trong túi để có thể ghi lại tất cả các khoản chi tiêu trong một ngày.