Cung điện Potala nằm ở Lhasa, là một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng và được tôn kính của Tây Tạng, cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới.
Potala toạ lạc trên núi Hồng (Hồng Sơn), giữa thung lũng Lhasa, vốn mang ý nghĩa là hòn đảo “nơi ngự của Quan âm Bồ Tát”. Nằm ở độ cao hơn 3.700 mét so với mực nước biển, Potala không có đối thủ trong cuộc đua danh hiệu “cung điện cao nhất thế giới”.
Phong cách kiến trúc đồ sộ và xếp lớp tạo nên hình ảnh khó nhầm lẫn cho cung điện. Potala có chiều cao 117m, tổng diện tích hơn 360 km2, trong đó diện tích xây dựng hơn 130 km2 với 13 tầng. Bên trong được chia thành hơn 1000 phòng nhỏ với gần chục ngàn Phật điện. Mặc dù đã được đưa vào khai thác du lịch, nhưng du khách chỉ được khám phá một phần rất nhỏ bên trong công trình này.
Đây cũng là tòa kiến trúc cao nhất và là trái tim của Lhasa, gồm hai phần chính là Hồng Cung và Bạch Cung, trong đó màu trắng của Bạch Cung là chủ đạo.
Hồng Cung hay Cung điện Đỏ, cao 7 tầng, có bề ngoài màu đỏ và vàng rực rỡ, là trung tâm tinh thần của khu phức hợp, nơi có các linh tháp chứa linh cốt của các vị Đạt Lai Lạt Ma đã viên tịch và Phật điện.
Bạch Cung, là cung điện mùa Đông của các đức Đạt Lai Lạt Ma, gồm 6 tầng với những bức tường trắng và mái dốc, là khu vực hành chính và nơi ở. Dù đã trải qua gần 1400 năm, nhưng Potala vẫn luôn như mới và là niềm tự hào của người dân Tây Tạng.
Theo hướng dẫn viên của Potala, bí quyết để cung điện này nhìn luôn mới là hàng năm sau mùa mưa những bức tường đều được quét lên mình một lớp vôi mới. Việc quét vôi phải được hoàn thành trước ngày 22/9 theo lịch Tạng, tức trước lễ hội Giáng Thần. Thời điểm này vào khoảng tháng 11 Dương lịch và lớp vôi này vô cùng đặc biệt. Nó được trộn từ hỗn hợp vôi trắng, sữa, mật ong và có khi cả Tạng hồng hoa hay Saffron, do vậy Potala còn được mệnh danh là “cung điện ngọt ngào” nhất thế giới.
“Khi quét vôi quy mô thường rất lớn, nên sẽ có nhiều tình nguyện viên là người Tây Tạng đến giúp. Sau khi quét xong Potala, mới được quét 3 chùa lớn ở Lhasa, trong đó có Đại Chiêu tự, rồi tiếp đó mới là những ngôi chùa và nhà dân xung quanh”, hướng dẫn viên của Potala cho hay.
Theo hướng dẫn viên này, để quét vôi cho cung điện, ngoài các tình nguyện viên, còn có hơn chục người thợ mà chị gọi là “người nhện”. Họ là những nhân viên làm việc tại đây và chị là một trong số đó. Những “người nhện” này sẽ leo hoặc treo mình trên các bức tường thẳng dứng để hắt hoặc phun vôi. Potala sẽ được làm mới theo thứ tự từ Bạch Cung, đến Hồng Cung và cuối cùng là Hoàng Cung.
Về ý nghĩa của việc bổ sung lớp vôi mới hàng năm, chị cho biết: “Trước tiên là để bảo tồn các kiến trúc cổ, vì mỗi năm sau mùa mưa, lớp đất bùn sẽ chảy xuống. Thứ hai là thể hiện lòng tôn kính.”
Ngày nay, để quét vôi hết toàn bộ các bức tường của cung điện chỉ tốn khoảng 10 ngày, tuy nhiên vào thời chưa có sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, người ta phải mất cả tháng mới có thể hoàn thành xong công việc này.