Quá nửa Gen Z không còn coi hôn nhân là bắt buộc
Theo một cuộc khảo sát về thái độ đối với hôn nhân của thanh niên Nhật Bản hiện nay được công bố đầu tháng 12/2023, khoảng 60% người thuộc Thế hệ Z (sinh từ 1997 đến 2012) nói rằng họ không ngại việc không bao giờ kết hôn.
Công ty Biglobe Inc. đã thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 9 và đã nhận được phản hồi từ 1.000 người từ 18 đến 69 tuổi trên toàn quốc. Kết quả được tính cho từng nhóm tuổi sau: từ 18 đến 24 (Thế hệ Z), từ 25 đến 29, nhóm tuổi 30, 40, 50 và 60.
Đối với câu hỏi "Bạn có muốn kết hôn không (hoặc bạn đã kết hôn chưa)?" 52,6% số người được hỏi thuộc Gen Z, 60,4% những người từ 25 đến 29, 58,0% những người ở độ tuổi 30, 59,0% ở độ tuổi 40, 67,0% ở độ tuổi 50 và 72,0% ở độ tuổi 60 trả lời "có".
Mặt khác, 60,6% người thuộc Gen Z được hỏi cho biết họ "sẽ không bận tâm" nếu không bao giờ kết hôn. Tỷ lệ này cao nhất là 62,0% ở những người trong độ tuổi từ 25 đến 29 và thấp nhất là 39,0% ở những người ở độ tuổi 60.
Ảnh minh họa
Ở Hàn Quốc, đất nước đang có tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu, con số khảo sát cũng tương tự. Cứ 10 người thì 6 người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 nghĩ rằng việc kết hôn không còn là điều bắt buộc nữa. Đây là kết quả khảo sát xã hội của Cục Thống kê Hàn Quốc được công bố cuối năm ngoái. Một nửa số người được hỏi - ở mọi lứa tuổi - nói rằng họ nghĩ hôn nhân là điều bắt buộc. Con số này thấp hơn ở những người ở độ tuổi 20 và 30. Chỉ 35,1% những người ở độ tuổi 20 và 40,6% những người ở độ tuổi 30 nói rằng họ đồng ý rằng hôn nhân là điều bắt buộc. Hơn một nửa trong số họ - 53,5% ở độ tuổi 20 và 52,8% ở độ tuổi 30 - trả lời rằng việc họ kết hôn hay không không quan trọng.
Chưa hết, trong trường hợp của những người độ tuổi từ 13 đến 19, chỉ có 29,1% trả lời rằng hôn nhân là điều bắt buộc. Con số này tăng lên khi độ tuổi của người trả lời tăng lên. Xét theo giới tính, 55,8% nam giới được hỏi cho rằng hôn nhân là cần thiết, trong khi chỉ có 44,3% nữ giới đồng tình với quan điểm này.
Còn tại đất nước tỷ dân Trung Quốc, “làn sóng” từ chối kết hôn ở người trẻ cũng đang biểu hiện rõ rệt. 42% thanh niên Trung Quốc đang không tìm kiếm một mối quan hệ, theo Báo cáo năm 2022 về Sức khỏe Tâm thần của Sinh viên Đại học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Trong số sinh viên, 41,93% độc thân và muốn sống độc thân, 27,61% đang có mối quan hệ và 25,40% độc thân nhưng đang tìm kiếm một mối quan hệ.
Năm ngoái, Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ kết hôn thấp kỷ lục và dân số sụt giảm lần đầu tiên sau 6 thập kỷ, tạo mối lo ngại đối với một quốc gia đang già đi cần lực lượng lao động trẻ để duy trì tăng trưởng kinh tế, lương hưu và hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Hẹn hò và kết hôn quá tốn kém
“Tôi dành toàn bộ thời gian để làm việc và kiếm tiền nên tôi không còn năng lượng cho các mối quan hệ” - điệp khúc này đã được lan truyền trên mạng như một lời giải thích cho việc Gen Z không quan tâm đến yêu đương và kết hôn nữa.
Đối mặt với thị trường việc làm cạnh tranh và tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều người tin rằng họ không đủ khả năng để yêu đương chứ đừng nói đến việc kết hôn.
Một người viết trên Weibo - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc: “Cái giá của tình yêu bây giờ quá cao. Đi chơi và ăn một bữa sẽ khiến bạn tốn rất nhiều tiền, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tệ”.
Ở Hàn Quốc, khi được hỏi về lý do ảnh hưởng đến quyết định không kết hôn, có 28,7% số người được hỏi cho rằng nguyên nhân cũng là do thiếu tiền. Tiếp theo là những lý do khác như việc làm không ổn định, gánh nặng sinh nở và nuôi con. Cuối cùng, 25% số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy không cần thiết phải kết hôn hoặc họ chưa gặp bất kỳ ai mà họ muốn kết hôn.
Ngoài ra, phụ nữ trẻ cũng ngày càng độc lập và dành thời gian để theo đuổi sự nghiệp, thành công. Quan niệm truyền thống cần xây dựng gia đình, đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm hàng ngàn năm qua ở các quốc gia văn hóa Á Đông đã bị coi là lỗi thời.
“Thật sảng khoái khi ở một mình” , một người dùng mạng xã hội khác viết. “Bạn không cần phải nghĩ cách làm cho chồng con mình hạnh phúc mỗi ngày, cũng không phải trả những khoản chi phí khổng lồ bắt buộc khi kết hôn và chăm sóc con cái”.
Nguồn: Mainichi, Korea Times, Radii