Quả sầu riêng giá 1,1 tỷ đồng: Là giống quý, được giới nhà giàu săn lùng nhiều nhất thế giới

Hương vị thơm ngon đặc biệt, kết cấu mịn như kem hiếm thấy đã khiến giống sầu riêng này trở nên nổi tiếng.

Năm 2019, tại lễ hội King of Durian tổ chức ở Nonthaburi, miền trung Thái Lan, một quả sầu riêng thuộc giống Kanyao từ tỉnh Nonthaburi đã được đưa ra đấu giá và lập kỷ lục thế giới với mức giá lên tới 48.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng).

Trong số 9 quả sầu riêng được đưa ra đấu giá, giống Kanyao nổi tiếng quý hiếm và là loại sầu riêng được giới nhà giàu "săn lùng" nhiều nhất thế giới.

Ông Maliwan Han Chai Thai, chủ sở hữu của quả sầu riêng này, bày tỏ sự kinh ngạc: "Tôi biết đây là loại sầu riêng đặc biệt và hiếm có nhưng thực sự ngạc nhiên khi nó được trả giá cao tới vậy".

Quả sầu riêng giá 1,1 tỷ đồng: Là giống quý, được giới nhà giàu săn lùng nhiều nhất thế giới - Ảnh 1.

Trái sầu riêng lập kỷ lục về giá tại lễ hội King of Durian

Theo Business Insider, sầu riêng đến từ Nonthaburi nổi tiếng với hương thơm dịu nhẹ và kết cấu dạng kem, trong khi những loại sầu riêng khác có mùi nồng hơn và kết cấu nhiều nước. Sở dĩ sầu riêng Nonthaburi có hương vị riêng biệt như thế này là vì hai lý do chính: Môi trường của Nonthaburi và hoạt động trồng trọt của nông dân tại đây.

Tỉnh Nonthaburi là trung tâm trồng sầu riêng ở Thái Lan trong hơn 300 năm qua. Nông dân ở khu vực này đã trau dồi kỹ thuật trồng sầu riêng qua nhiều thế hệ, sử dụng các nguồn lực và kỹ năng của họ để tạo ra những trái sầu riêng chất lượng cao nhất có thể.

Một trong những nguồn tài nguyên giúp sức cho thành công của họ là nước sông Chao Phraya chảy qua Nonthaburi, giúp cho đất ở đây trở nên màu mỡ hơn.

Tuy nhiên, nước sông không được dùng để tưới sầu riêng. Nông dân ở Nonthaburi thích dùng nước ngọt hơn bởi họ tin rằng nước ngọt sẽ giúp cải thiện chất lượng cuối cùng của trái sầu.

Quả sầu riêng giá 1,1 tỷ đồng: Là giống quý, được giới nhà giàu săn lùng nhiều nhất thế giới - Ảnh 2.

Sầu riêng ở Nonthaburi được chăm sóc rất kỹ lưỡng.

Sầu riêng ở Nonthaburi đòi hỏi sự chăm sóc tinh tế. Các vùng khác có thể dùng nước ngầm, nước sông, nước suối để tưới cây nhưng ở Nonthaburi, người ta chỉ dùng nước máy. Nói cách khác, "nếu là nông dân ở đây, bạn phải mua nước (để trồng sầu riêng)".

Sau khi trồng, phải mất khoảng 6 năm cây sầu riêng khỏe mạnh mới cho trái. Sau khi cây bắt đầu ra hoa, phải mất từ 90 - 150 ngày mới ra quả, tùy thuộc vào giống cây.

Điều khiến sầu riêng ở Nonthaburi trở nên đắt đỏ như vậy không chỉ vì thời gian và sức lao động của người nông dân, mà còn cả các chi phí khác. Ví dụ, riêng tiền mua nước về tưới cây mỗi năm đã tốn khoảng 2.200 USD (hơn 50 triệu đồng).

Nếu trồng Kanyao và một năm thu hoạch 10 trái, mỗi trái chỉ bán với giá 160 baht/kg (hơn 100.000 đồng) như các giống sầu riêng khác thì thậm chí còn không đủ trang trải tiền nước.

Nông dân phải liên tục kiểm tra cây và phát hiện kịp thời bất cứ dấu hiệu của côn trùng hoặc bệnh nhiễm trùng nào. Họ bọc từng quả sầu riêng trong lưới để bảo vệ chúng và phải thu hoạch từng trái sầu riêng một. Mỗi trái sầu riêng được thu hoạch phải đạt tới độ chín hoàn toàn.

Những kỹ thuật, nom có vẻ tốn nhiều thời gian và công sức này, sẽ ảnh hưởng lớn tới hương vị và giá trị cuối cùng của sầu riêng Nonthaburi. Tùy thuộc vào kích cỡ, sầu riêng Kanyao đến từ Trang trại Apiranya ở Nonthaburi thường có giá dao động từ khoảng 380 USD - 530 USD/quả (9-12,5 triệu đồng/quả).

Tuy nhiên, bất chấp mức giá cao của Kanyao, nhu cầu đối với loại sầu riêng này vẫn rất lớn, nguồn cung không thể theo kịp.

Nonthaburi cũng từng gặp khó khăn trong việc trồng sầu riêng do những biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của nước thải, khói bụi và các chất ô nhiễm môi trường. Để khắc phục, người dân ở đây đã trồng cây san hô Ấn Độ khắp vườn sầu riêng, chúng có tác dụng hạ nhiệt và nuôi dưỡng đất.

Khí hậu nhiệt đới cần thiết để trồng sầu riêng cũng khiến các trang trại dễ gặp bão, lũ lụt hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác. Vào năm 1995 và 2011, lũ lụt đã phá hủy gần như toàn bộ cây sầu riêng ở Nonthaburi. Năm 2011, khoảng 1.100 mẫu trồng sầu riêng ở Nonthaburi đã bị san bằng và chỉ còn 17 mẫu sống sót.