Với diện tích đa phần nằm ở vùng ôn đới, châu Âu có khí hậu khá lạnh vào mùa đông. Một trong những vật dụng quan trọng nhất trong căn nhà cổ thời xưa tại châu lục này chính là lò sưởi và ống khói. Nhưng không chỉ có tác dụng giữ ấm, chúng còn mang theo nhiều ý nghĩa văn hóa và niềm tin đặc biệt.
Nếu bạn đã có cơ hội xem bộ phim Mary Poppins năm 1964 của Disney, hẳn bạn sẽ nhớ đến phân cảnh người thợ quét ống khói được đóng bởi diễn viên Dick Van Dyke, luôn ngâm nga câu hát: "Một lần quét là một lần may, thật là hay" .
Nhưng nhân vật này không chỉ hát vu vơ, mà ở một số vùng tại châu Âu thực sự có niềm tin rằng những người thợ quét ống khói sẽ mang đến may mắn.
Cũng theo truyền thuyết châu Âu, người ta thậm chí có thể ước điều mình muốn bên cạnh một thợ quét ống khói đang làm việc để điều ước thành hiện thực. Nhưng chưa hết, những người thợ quét ống khói này không phải là "thần đèn" hay phù thủy gì cả, mà người ta quan niệm rằng phải có những nghi thức hẳn hoi để cầu may thành công.
Truyền thuyết kể lại, câu chuyện này có lẽ bắt nguồn từ thời Vua George III của Anh (1760-1820). Theo đó, một ngày vị vua đang cưỡi ngựa trong đoàn rước của mình thì bị một con chó ngáng đường, cắn vào cổ chân ngựa, khiến nó lồng lên.
Trước khi vị vua ngã xuống và cả đất nước có một lễ tang trong hoàn cảnh éo le, một người quét ống khói đã trở thành "anh hùng" khi nhảy ra từ đám đông, giằng lại dây cương ngựa để giữ nó bình tĩnh và cứu lấy George III.
Sau khi hoàn hồn, vị vua không quên cảm ơn ân nhân và thậm chí còn đi xa hơn bằng cách tuyên bố những người thợ quét ống khói chính là "thần may mắn". Từ đó trở đi, có truyền thống mời những người quét ống khói này đến các đám cưới để xin lời cầu chúc của họ - được tin là sẽ giúp đôi uyên ương hạnh phúc tới đầu bạc răng long.
Mặc dù đối lập với mèo đen - "kẻ thù" của sự may mắn theo quan niệm của nhiều vùng tại châu Âu, những "vị thần may mắn" này trên thực tế lại không hề khoái cái niềm tin này cho lắm.
Vào thời chưa có các hệ thống sưởi hiện đại hơn, nhà cửa tại châu Âu đều phải dựa vào ống khói và lò sưởi để giữ ấm. Thời kỳ này, những người thợ ống khói rất được trọng dụng và thường xuyên bận rộn (cứ như việc sửa điều hòa ngày nay vậy). Họ thường mặc trang phục toàn màu đen với một cái mũ trắng (cũng không trắng được lâu cho lắm), đeo thắt lưng giấy tờ và dụng cụ.
Đồ nghề của thợ quét ống khói gồm có một cuộn dây thừng (để leo trèo) và chiếc bàn chải thép. Họ thường phải chui vào những chiếc ống khói vừa tối, vừa hẹp, vừa bốc mùi để dọn dẹp mà không hề có công cụ bảo hộ nào như mặt nạ phòng độc, đồ bảo vệ mắt và tai, găng tay... nói chung, đó là loại công việc cực nhọc mà người ta thường làm vì phải làm chứ chẳng ai muốn chọn.
Sau cả ngày "đánh vật" với mấy cái ống khói bốc mùi và độc hại, chắc hẳn bạn sẽ không muốn ai đó cứ chọc vào mình, xoa tay áo hoặc nhìn mình rồi ước cho riêng họ. Nhưng đó chính xác là những gì người ta đã làm suốt nhiều thế kỷ, khi có sự xuất hiện của thợ quét ống khói.
Những người mê tín tin rằng việc xoa cúc áo và thực hiện điều ước khi nhìn thấy thợ quét ống khói, hoặc chạm vào một trong những ống tay áo bẩn của họ, sẽ mang lại may mắn (hoặc thậm chí biến những điều ước đã nói thành hiện thực). Khá là phiền, nhất là nhiều khi họ không được trả thêm cho dịch vụ bất đắc dĩ này.
Nguồn: Grunge