Cuối tháng trước, Trung Quốc đã khởi động một sáng kiến đầy tham vọng nhằm phát triển các công nghệ và thiết bị khoan hàng đầu thế giới của mình. Mục đích là để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong nước và khám phá sâu bên trong Trái đất.
Là một phần của siêu dự án quốc gia, sáng kiến này sẽ bao gồm quá trình phát triển giàn khoan thông minh siêu sâu 15.000 mét đầu tiên của Trung Quốc. Dự án do Viện Hàn lâm Khoa học địa chất Trung Quốc đi đầu, hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Tân Hoa Xã đưa tin cho biết: “Siêu dự án Khoa học và Công nghệ Quốc gia Deep Earth là một chiến lược hướng đến tương lai, bắt kịp với các công trình khoa học toàn cầu và đảm bảo an ninh năng lượng và tài nguyên quốc gia.”
Tại một cuộc họp khởi động dự án ở Bắc Kinh, các tổ chức tham gia đã kêu gọi việc “tận dụng hệ thống nghiên cứu tập trung trong nước của Trung Quốc”, nhằm thúc đẩy sự đổi mới phối hợp ở khắp cả nước. Theo Tân Hoa Xã, mục tiêu của dự án là tạo ra những công trình khoa học đột phá độc đáo, mang tính bước ngoặt và tiên tiến nhất có thể, cùng với đó là thiết lập chuẩn mực cho các sáng kiến khác về nguồn năng lượng nằm sâu trong lòng Trái đất.
Đại học Cát Lâm, một trong những đối tác tham gia dự án, cho biết dự án này bao gồm kế hoạch kiểm soát bùn nhiệt độ cao sử dụng thiết bị thông minh, phối hợp tự động các mũi khoan siêu dài với nhiều robot điều khiển và hệ thống dây lõi thông minh có khả năng hoạt động ở độ sâu hơn 10.000 mét.
Sun Youhong, phó chủ tịch Đại học Cát Lâm và giám đốc chương trình khoan, cho biết dự án sẽ phải giải quyết "những vấn đề khó khăn". Nhiệt độ trong quá trình khoan sẽ lên tới 400 độ C ở độ sâu 13.000 mét và ứng suất cao trong lớp vỏ Trái đất có khả năng khiến thiết bị phát nổ và làm hỏng chuỗi khoan.
Hiện tại, giếng dầu sâu nhất của Trung Quốc đạt khoảng 11.000 mét, là giếng dầu sâu thứ 2 thế giới. Giếng này được khoan ở huyện Shaya, tỉnh Aksu, Tân Cương, được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) xây dựng và hoàn thành vào tháng 3 năm ngoái.
Trong khi đó, giếng dầu sâu nhất thế giới là Z-44 Chayvo ở Nga, thuộc khu vực Sakhalin ở miền đông nước Nga, đạt độ sâu 15.000 mét và được khoan từ thời Liên Xô.
Tham khảo SCMP