Quốc lộ ôm sông sợ 'ông hà bá'

Đây là một thực tế đáng lo bởi trên những đoạn quốc lộ (QL) là hàng ngàn nhà dân đứng trước nguy cơ bị "ông hà bá" nhấn chìm xuống sông trong thời gian qua. Vậy cần có giải pháp nào để giao thông được thông suốt, tránh thiệt hại cho người dân?

Quốc lộ ôm sông sợ ông hà bá - Ảnh 1.

Nhiều đoạn đường cảnh báo sạt lở

Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, vụ sạt lở nghiêm trọng trên tuyến QL91, đoạn qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) xảy ra vào khoảng 0h38 ngày 1-8. 

Vết nứt trên QL91 dài 50m, chiếm 1/3 mặt đường nhựa đã bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Hậu. Đến 2h23 cùng ngày, mặt đường sạt lở rộng lên 1/2 QL, dài khoảng 70m; và đến 5h30, mặt nhựa bị sạt mất 1/2 đường, chiều dài 85m kéo về phía hạ lưu.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, nguyên nhân ban đầu gây sạt lở là do địa hình đáy sông Hậu có lạch sâu áp sát bờ, tác động dòng chảy đạp vào tạo hàm ếch và tác động của tải trọng phương tiện giao thông trên tuyến QL91 lớn nên gây ra sạt lở. Tình trạng giao thông tại khu vực trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Lữ Cẩm Khường - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang - cho biết thêm hầu như tuyến QL91 và QL91C đi qua địa bàn tỉnh ôm dọc theo bờ sông Hậu. Do đó, tình trạng sạt lở diễn ra từ xã Phước Hưng kéo dài lên phía thượng lưu từ nhiều năm nay. 

Cũng theo ông Khường, dẫn thống kê của Sở TN-MT tỉnh An Giang, toàn tỉnh có 196km đường nằm cặp bờ sông có nguy cơ phải cảnh báo sạt lở, bao gồm tỉnh lộ, hương lộ, QL đều có nguy cơ sạt lở cao, đã được ngành quan trắc khảo sát hằng năm.

Còn ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tuyến giao thông huyết mạch là QL91 và QL91C. Cụ thể, tuyến QL91 có 2 đoạn bị sạt là đoạn TP Long Xuyên, hiện đã được làm kè. Còn khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú cũng đang được gấp rút hoàn thiện tuyến tránh, sắp tới sẽ tiếp tục làm bờ kè để bảo vệ hàng trăm hộ dân khu vực này. 

"Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguy cơ sạt lở bờ sông nhiều nên về lâu dài tỉnh sẽ hạn chế các công trình, hạ tầng ven sông và dời các con đường giao thông ra khỏi hành lang ven sông" - ông Thư nói thêm.

Về hiện trạng các tuyến đường nằm cặp bên sông, ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) - cho biết hiện nay toàn khu vực ĐBSCL có nhiều tuyến QL nằm ven sông có nguy cơ bị sạt lở như tuyến QL1, tuyến QL30 qua tỉnh Đồng Tháp, tuyến QL80 từ Cần Thơ đi Kiên Giang, tuyến QL91 và QL91C... 

"Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải chưa tính đến phương án sẽ đầu tư đường thay thế cho các tuyến QL nằm ven sông này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ yêu cầu sở TN-MT các tỉnh khảo sát, nghiên cứu rồi dựa vào đó báo cáo Bộ Giao thông vận tải có phương án xử lý" - ông Thành cho hay.

Quốc lộ ôm sông sợ ông hà bá - Ảnh 2.

Nguồn: Cục Quản lý đường bộ IV (Bộ Giao thông vận tải) - Đồ họa: T.ĐẠT

Gian nan khắc phục

Chiều 1-8, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật đã trực tiếp đến khảo sát thực tế tại hiện trường vụ sạt lở tuyến QL91, đoạn qua xã Bình Mỹ, (huyện Châu Phú, An Giang). Sau đó, ông Nhật đã có buổi làm việc và nghe các cơ quan, ban ngành tỉnh An Giang báo cáo. 

Đại diện đơn vị khảo sát, thiết kế thủy lợi cho biết vị trí tuyến QL91 bị sạt lở vừa qua có hố xoáy âm 25m, hướng khắc phục là buộc phải giảm tải ở phía trên mặt đất, di dời tất cả các công trình, nhà cửa ven sông để đảm bảo an toàn.

Nói về việc xử lý vị trí sạt lở QL91, ông Trần Anh Thư tính toán sơ bộ cũng mất hàng chục tỉ đồng, thực hiện trong thời gian dài. "Mặc dù vết nứt và bị sạt lở chỉ 50m nhưng phía dưới chân kéo dài ra ngoài sông đến 150m. Kinh phí để khắc phục cũng mất 25 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo tôi, sau khi khắc phục vị trí sạt lở này vẫn phải tiếp tục theo dõi và tốn kinh phí xử lý tiếp" - ông Thư nói.

Để tuyến giao thông huyết mạch QL91, kết nối từ Long Xuyên đi Châu Đốc và các cửa khẩu sang Campuchia được thông suốt, thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị Ban quản lý dự án 7, Cục Quản lý đường bộ IV nhanh chóng thi công hoàn thiện và thảm nhựa, lắp tín hiệu giao thông cho 5km tuyến tránh đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. 

"Phải coi đây là tình huống khẩn cấp cấp 1, nhanh chóng kết nối lại giao thông cho bà con và các phương tiện di chuyển. Qua các nghiên cứu, khảo sát địa chất thì sông Hậu có nhiều vị trí rất sâu, từ 40 - 60m nên có nguy cơ sạt lở cao" - ông Nhật nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu An Giang hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ như nghiên cứu, khảo sát và đánh giá lại thật kỹ các vị trí có nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng đến các tuyến QL. "Cục Quản lý đường bộ IV phải làm tổng hợp các nghiên cứu, báo cáo tổng thể các vị trí có tuyến QL nằm ven sông có nguy cơ sạt lở. Số liệu này sẽ được làm dự phòng cho những năm tới để bộ xử lý kịp thời, đảm bảo an sinh xã hội của các địa phương" - ông Nhật chỉ đạo.