Hãy tìm hiểu cách xây dựng lòng tin từ bất kỳ ai, dù chỉ là người mới gặp lần đầu tiên. Điều đó sẽ mang đến nhiều thuận lợi trong công việc của bạn.
Sự tin tưởng và cho đi - nhận lại được coi là nền tảng của mọi tương tác giữa con người với nhau. Niềm tin được coi là vốn quý giá nhất của mỗi người. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng và được tạo ra chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Tuy nhiên, sự tin tưởng sâu sắc giữa hai người phụ thuộc vào tính liên hệ, độ tin cậy và khả năng dự đoán.
Trong thời điểm đầy thách thức này, việc gặp gỡ, trò chuyện với ai đó lần đầu tiên trong cuộc gọi trên ứng dụng như Zoom ngày càng phổ biến. Điều đó đòi hỏi bạn phải cung cấp thông tin cơ bản cho người ở bên kia màn hình và chứng minh cuộc hội thoại giữa 2 người có ý nghĩa.
Niềm tin được sinh ra từ những ràng buộc tình cảm của chúng ta. Niềm tin có thể được xây dựng theo 2 cách. Đầu tiên là thông qua sự tin tưởng theo nhận thức, khi một người đưa ra quyết định có ý thức để tin tưởng bạn dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của họ. Thứ hai là thông qua sự tin tưởng tình cảm, đó là sự tin tưởng mà một người đặt vào đối tác dựa trên cảm xúc được tạo ra bởi mức độ quan tâm và chăm sóc mà người kia thể hiện.
Hãy tưởng tượng bạn đã đọc một bài viết của một giáo sư kinh tế Stanford giải thích tỷ lệ phần trăm người Mỹ bị thất nghiệp và phá sản thông qua các dữ kiện, thống kê. Theo thời gian, bạn có thể đã quên mình đã đọc nó hoặc thậm chí tên của giáo sư. Vậy làm thế nào để bài viết này đáng tin cậy và đáng nhớ hơn?
Hãy tưởng tượng vị giáo sư bắt đầu bài báo bằng một cụm từ ngắn gọn giải thích lý do tại sao ông lại dấn thân vào ngành kinh tế, chẳng hạn như niềm đam mê của ông với những đảm bảo về việc người Mỹ sẽ không gặp khó khăn về tài chính. Hoặc có lẽ giáo sư đi sâu hơn bằng cách giải thích quyết tâm của ông bắt nguồn từ việc chứng kiến cha mẹ mình phá sản khi còn trẻ nên ông tự hứa với bản thân là sẽ cam kết làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để giúp đỡ nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính. Liệu cách tiếp cận này có khiến chúng ta kết nối với thông điệp của ông ấy theo chiều sâu hơn, khiến nó in đậm vào trong tâm trí ta hơn?
Ngày nay, hàng triệu người Mỹ đang làm việc từ xa, đồng thời cố gắng thiết lập, nuôi dưỡng và mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp của họ. Bây giờ (hơn bao giờ hết), họ cần các công cụ hỗ trợ trong những việc đó. Một mối quan hệ trong công việc không có sự tin tưởng lẫn nhau thực sự thường không mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
30% nỗ lực để tạo ra mối quan hệ cá nhân và tin cậy
Một công ty muốn đào tạo nhân viên của họ về cách bán một ý tưởng hay cho các bên liên quan có tiềm năng. Nhu cầu đào tạo này xuất phát từ việc nhân viên của họ đã đưa ra nhiều ý tưởng tuyệt vời, tuy nhiên chỉ một số ít được phát triển thành các sản phẩm và dịch vụ có thể bán được. Lý do là các nhân viên chỉ tập trung vào ý tưởng trong bài thuyết trình của họ chứ không phải là những người mà họ cần hỗ trợ để hiện thực hóa những ý tưởng đó.
Rất đơn giản, họ đã không nghĩ đến thực tế là ý tưởng, thứ mà họ cho là đáng ngạc nhiên và mang tính cách mạng, cần được nhìn nhận theo phương diện của người thực thi - người có quyền phê duyệt hoặc bác bỏ ý tưởng đó. Do đó, nhiều kế hoạch tốt đã không vượt qua giai đoạn trình bày ban đầu.
Điều này có thể được lý giải thích dựa trên quy tắc 70/30 theo cách đơn giản nhất. Nếu họ cần hỗ trợ cho một ý tưởng hoặc dự án, họ phải dành 30% nỗ lực để tạo ra mối quan hệ cá nhân và tin cậy khi thảo luận với đối tác, khách hàng và bất kỳ bên liên quan tiềm năng nào.
Bất cứ khi nào bạn tham dự một cuộc họp online, một hội thảo, một cuộc phỏng vấn việc làm, một buổi giới thiệu đầu tư..., mọi người sẽ tìm hiểu xem liệu họ có thể tin tưởng bạn hay không. Mọi người nhìn bạn một cách chủ quan và nghĩ về mối quan hệ hiện tại và tương lai giữa họ và bạn.
Họ cũng đang tìm hiểu xem liệu họ có nên dành thời gian và nguồn lực quý báu của họ cho bạn hay không. Nói cách khác, họ đang "định mức cho bạn". Vì vậy, câu hỏi đặt ra là bạn có biết họ đang tìm kiếm gì không?
Các mối quan hệ được hình thành dựa trên: Khả năng khai thác EQ hoặc trí tuệ cảm xúc của bạn (EQ chi phối sự tin tưởng lẫn nhau và phản ứng hóa học giữa bạn và những người khác); Điểm mạnh các mối quan hệ hiện có của bạn; Kỹ năng hiện tại và trong tương lai của bạn (tiềm năng); Khả năng của bạn khi xác định những gì người kia có thể nhận được khi xây dựng mối quan hệ với bạn (không đơn giản chỉ là bạn sẽ nhận được gì từ họ).
Một khía cạnh quan trọng khác của việc hình thành niềm tin trong một mối quan hệ là liệu bạn có thể truyền cảm hứng để người khác tin tưởng vào bạn hay không. Sự tin tưởng của họ phụ thuộc vào những gì họ biết về bạn và cuộc sống của bạn. Và để làm như vậy, bạn sẵn sàng chia sẻ chuyện cá nhân nào với họ? Những câu hỏi nào bạn đặt ra để giúp người khác mở lòng với bạn và chia sẻ những điều thầm kín nhất?
Bạn có thể đo lường mức độ bền chặt của một mối quan hệ bằng số lần bạn và người ấy đã đi đến thỏa thuận, số lượng câu chuyện riêng tư mà bạn đã chia sẻ, mức độ quen thuộc của bạn và sẽ gắn bó với nhau theo thời gian. Hãy mở rộng lòng mình, đừng che giấu quá nhiều.
Đừng lãng phí với những câu chuyện phiếm
Bạn có muốn thử nghiệm quy tắc 70/30 ngay bây giờ không? Khi tôi cần làm quen với mọi người và tạo niềm tin với họ, tôi sẽ không đề cập về công việc, học vấn, chức vụ giám đốc... Điều đó chỉ mô tả những gì tôi hàng ngày vẫn làm với thời gian của tôi và không nói gì nhiều về việc tôi là một người như thế nào.
Nếu bạn nói về công việc, hãy chắc chắn bạn sẽ xen kẽ nó với một câu chuyện trong cuộc đời bạn, chẳng hạn như cách giáo sư Stanford giải thích lý do tại sao ông ấy đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho kinh tế. Điều đó nói rằng, bạn nên đặt mục tiêu phát triển mối quan hệ bền chặt với người mà bạn mong muốn có được sự tin tưởng.
Khi gặp gỡ mọi người, có thể nói về lý do khiến bạn yêu thích giúp đỡ mọi người trong công việc của mình. Dựa trên kinh nghiệm đó, ban đầu mọi người bị thu hút bởi con người của bạn hơn là với những gì bạn phải bán, sau đó họ mới mua hàng (nếu họ tin tưởng).
Một khi mọi người tin rằng bạn là người "tốt", họ sẽ đi xa hơn trong việc tìm hiểu doanh nghiệp của bạn, trở thành khách hàng và thậm chí giới thiệu bạn với các mối quan hệ, bạn bè và gia đình của họ. Hãy cho mọi người thấy bạn là ai và bạn đại diện cho điều gì hơn là khả năng hoặc những gì bạn có thể "bán" cho họ.
Thông thường, bạn hay nói những chuyện gì với người mới gặp? Hầu hết mọi người nói về thời tiết, số liệu thống kê liên quan đến Covid-19, lẩm bẩm tên của họ hoặc nói nhiều hơn là hỏi... Những cuộc trò chuyện như vậy khá là vô bổ và sớm bị lãng quên. Cuộc trò chuyện xã giao với người mới gặp rất quan trọng. Mục đích của việc phân bổ 30% cuộc gặp gỡ để kết nối ở mức độ cá nhân hơn và để xây dựng lòng tin, tăng ấn tượng của mọi người về sự chuyên nghiệp của bạn.
Do đó, bạn nên sử dụng thời gian bạn dành cho ai đó một cách hiệu quả và bạn không nên lãng phí với những câu chuyện phiếm về thời tiết. Trước khi bạn gặp một người, hãy nghiên cứu một chút về người đó, tìm hiểu xem họ là người như thế nào, bạn có điểm chung nào với họ không...
Trong thế giới ngày nay, bạn có thể nhanh chóng tìm kiếm thông tin về ai đó bằng một thao tác đơn giản trên Google, tuy chỉ là một thông tin nhỏ, nhưng sẽ được đền đáp gấp nhiều lần. Giờ đây, bạn có nhiều khả năng được nhớ đến, được giới thiệu và trở thành người mà mọi người muốn gặp lại nhiều lần.
Theo Success.com