Một ngày đầu năm 2024, người phụ nữ họ Mai (50 tuổi) ở Phổ Giang, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ. Đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên của “Bảo hiểm triệu đô” - một hình thức bảo hiểm cam kết sẽ bồi thường cho khách hàng nếu bị chiếm đoạt tài khoản thanh toán WeChat và tài khoản Alipay. Thấy đối phương có thể đọc lên chính xác số thẻ căn cước của mình, bà Mai đã nhanh chóng tin tưởng.
Nhân viên kia nói với bà Mai, thời hạn sử dụng miễn phí gói “Bảo hiểm triệu đô” của bà đã sắp hết và phải nhanh chóng hủy gói nếu không phải bị phạt rất nặng. Quá lo sợ, bà Mai đã vội vàng làm theo các bước mà đối phương yêu cầu mà không mảy may nghi ngờ điều gì.
Trước tiên, bà Mai tải và cài đặt phần mềm gọi điện thoại trực tuyến như lời nhân viên “Bảo hiểm triệu đô” nói. Sau đó, bà lại được mời vào vào một phòng chat và nhận được lời đề nghị chia sẻ màn hình. Bà Mai không hề biết rằng, kể từ lúc đó, các hoạt động tiếp theo của bà đã bị đối phương nắm toàn quyền giám sát.
Tiếp theo đó, đối phương yêu cầu bà vào Wechat, gửi mã xác nhận “101234” vào khung chat để tiến hành hủy liên kết thẻ ngân hàng với dịch vụ thanh toán và “Bảo hiểm triệu đô”. Trên thực tế, “101234” không phải là mã xác nhận như người kia nói, mà là số tiền chuyển khoản tương đương 101.234 NDT (khoảng 360 triệu đồng).
Do không hiểu biết nhiều về công nghệ, bà Mai đã nghĩ rằng việc mình làm chỉ là nhắn tin thông thường chứ không phải là giao dịch chuyển tiền. Thậm chí, bà cho biết đã thực hiện việc này đến 3 lần, tức là 3 lần chuyển tiền. Cứ như thế, chỉ trong phút chốc hàng trăm nghìn NDT (tương đương hơn 1 tỷ đồng) tiền tiết kiệm của bà đã một đi không trở lại.
Suốt quá trình đó, bà Mai nói rằng mình cứ như con rối để bọn lừa đảo thao túng. Thấy nạn nhân cắn câu quá dễ dàng, chúng tiếp tục yêu cầu bà thực hiện thao tác thông qua một nền tảng cho vay tiền, dụ dỗ bà đứng tên một khoản vay có giá trị 50.000 (hơn 178 triệu đồng).
“Cuộc điện thoại kết thúc lúc 10h30 tối, kẻ lừa đảo yêu cầu chồng tôi chuyển 15.000 NDT (hơn 50 triệu đồng) cuối cùng nhưng chồng tôi không đồng ý. Chúng tỏ thái độ tức giận và khi tôi kiểm tra lại tài khoản thì đã không còn đồng nào”, bà Mai chia sẻ. Cho đến lúc này, bà mới chợt bừng tỉnh và nhận ra đã bị nhân viên của “Bảo hiểm triệu đô” chặn liên lạc. Bà tá hỏa báo ngay cho cảnh sát rằng mình đã bị lừa đảo một số tiền lớn.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn. Cảnh sát cho biết, thông thường rất khó để có thể lấy lại được tiền trong vụ lừa đảo viễn thông chuyên nghiệp như vậy, vì máy chủ của băng nhóm lừa đảo thường được đặt ở nước ngoài, gây cản trở lớn đến việc điều tra.
Nghiêm trọng hơn, do bà Mai còn bị rò rỉ số tài khoản thẻ tín dụng có hạn mức hơn 20.000 NDT (hơn 71 triệu đồng). Những kẻ lừa đảo đã tiếp tục dùng nó để thực hiện
Phía cảnh sát cho hay, trong thời gian gần đây, ở Trung Quốc liên tục xuất hiện hình thức lừa đảo nhận là nhân viên “bảo hiểm triệu đô” và đã có rất nhiều người trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, việc này không hề có liên quan đến dịch vụ “bảo hiểm triệu đô” thực sự. Đây là một dịch vụ bảo vệ được cung cấp bởi các nền tảng như WeChat và Alipay cho tài khoản thanh toán của người dùng, nhằm bảo vệ an ninh tài chính của người dùng. Tính năng này hoàn toàn miễn phí và được bật mặc định, không cần đăng ký.
Qua sự việc của bà Mai, cảnh sát cũng khuyến cáo mọi người không nên dễ dàng tin tưởng các cuộc gọi từ số lạ. Đặc biệt, không cung cấp bất kỳ thông tin quan trọng hay nhấp vào đường link hoặc gửi tin nhắn nào theo yêu cầu của đối phương. Các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào những người trung niên hoặc lớn tuổi, không am hiểu về công nghệ và có một khoản tiền tiết kiệm nhất định.
(Theo Nbd.com.cn)