Sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon, người Hàn Quốc đổ xô tham gia các lớp học sơ cứu và hồi sức tim phổi

Hình ảnh hiện trường vụ giẫm đạp này cho thấy không chỉ các nhân viên cứu hộ mà nhiều người thường cũng đang gắng sức hô hấp nhân tạo cho các nạn nhân.

Vụ việc đáng tiếc xảy ra trong ngày lễ Halloween sớm tại khu phố Itaewon tại Hàn Quốc vào tối 29/10 vừa qua đã dấy lên sự quan tâm rộng rãi của nhiều người về tầm quan trọng của kỹ năng sơ cứu cũng như hồi sức tim phổi (CPR).

Theo những video được đăng tải về vụ giẫm đạp kinh hoàng trong con hẻm rộng 4 mét gần khách sạn Hamilton, đám đông chật cứng đã đổ lên chồng lên nhau như những quân cờ domino khiến nhiều người mắc kẹt, bị ngưng tim và thiệt mạng do nghẹt thở.

Sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon, người Hàn Quốc đổ xô tham gia các lớp học sơ cứu và hồi sức tim phổi - Ảnh 1.

Nhiều người thiệt mạng khi chưa được thực hiện hồi sức tim phổi

Số người bị thương nhiều đến nỗi lực lượng cứu hộ phải huy động thêm cả những người  thường tham gia vào công cuộc giải cứu cũng như hô hấp nhân tạo và hồi sức tim phổi cho các nạn nhân xấu số trong đám đông hỗn loạn này.

"Có nhiều nạn nhân tới mức lực lượng cứu hộ phải đề nghị người dân cùng hô hấp nhân tạo. Tất cả mọi người cùng tìm cách giúp đỡ. Chúng tôi có hai người bạn biết cách hồi sức tim phổi, do đó họ đã ra ngoài để sơ cứu cho các nạn nhân" - Ana, cô gái người Tây Ban Nha có mặt tại hiện trường, nói với CNN.

Sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon, người Hàn Quốc đổ xô tham gia các lớp học sơ cứu và hồi sức tim phổi - Ảnh 2.

Số lượng nạn nhân quá tải khiến đội cứu hộ phải nhờ đến trợ giúp của người dân

Bên cạnh đó, những bài đăng thuật lại quá trình hô hấp nhân tạo và hồi sức tim phổi của nhiều nhân chứng tại vụ việc đã được lan truyền mạnh mẽ trên nền tảng mạng xã hội. Qua đó nâng cao tầm quan trọng của quy trình cấp cứu và thúc đẩy nhiều người Hàn tham gia các khóa học sơ cứu hơn.

"Nếu có nhiều người biết cách hô hấp nhân tạo tại hiện trường, số người chết sẽ giảm. Sau vụ tai nạn, tôi quyết định học hô hấp nhân tạo", một nhân viên văn phòng họ Bae (32 tuổi) cho biết.

Một nhân viên văn phòng khác, họ Lee (20 tuổi), cũng có kế hoạch học thêm kỹ năng này sau khi chứng kiến thảm họa giẫm đạp tại Itaewon: "Tôi nhận thức được rằng hô hấp nhân tạo rất quan trọng nhưng chưa có cơ hội để học. Nếu tôi có mặt tại hiện trường và biết cách thực hiện hô hấp nhân tạo, có lẽ tôi đã cứu được nhiều người".

Sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon, người Hàn Quốc đổ xô tham gia các lớp học sơ cứu và hồi sức tim phổi - Ảnh 3.

Sự vụ đau lòng khiến nhiều người nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các kỹ năng sơ cứu

Trên thực tế, sau khi vụ việc xảy ra, các tổ chức đào tạo về hô hấp nhân tạo và các kỹ năng sơ cứu khác đã nhận thấy nhu cầu học những kỹ năng này của người dân tăng mạnh.

Một quan chức của Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc cho biết: "Sau khi sự việc đáng tiếc tại Itaewon xảy ra, yêu cầu về đào tạo đã tăng gấp đôi tại trụ sở chính và văn phòng chi nhánh đặt quanh thủ đô Seoul".

Một quan chức của Hiệp hội Hồi sức tim phổi Hàn Quốc cũng cho biết số lượt truy cập vào trang web của họ tăng gấp 4 lần sau vụ việc. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đào tạo kỹ năng CPR trong các trường học và cộng đồng công cộng.

Tính đến sáng 1/11, tổng cộng 156 người được xác nhận đã thiệt mạng, 29 người khác trong tình trạng nghiêm trọng sau sự cố chen lấn hy hữu xảy ra ở lễ hội Halloween khu Itaewon, thủ đô Seoul, tối 29/10.

Trong số những người chết có 26 người nước ngoài. Trong đó có 1 người đến từ Việt Nam. 2/3 số người thiệt mạng đều ở độ tuổi 20.

Theo truyền thông địa phương, khoảng 100.000 người đã đổ xô đến các đường phố Itaewon để tham gia lễ hội Halloween sau thời gian dài các hoạt động lễ hội bị hạn chết do dịch Covid-19.

Nguồn: Yonhap, CNN