Sau tháng 4 nóng nhất, một nước Đông Nam Á cảnh báo điều nguy hiểm sắp tới

Thời điểm El Nino bắt đầu sẽ trùng với tháng thứ hai và thứ ba của mùa mưa khi nước rất cần thiết cho sự phát triển của cây lúa. Do vậy, do El Nino có thể ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu gạo hàng đầu như Việt Nam.

Tháng 4 nóng nhất châu Á

Các nhà khí tượng học hiện đang dự báo sự trở lại của El Nino vào năm 2023 khi châu Á hứng chịu những đợt nắng nóng tàn khốc.

Tháng trước, nhiệt độ lên tới mức 50 độ C ở các vùng của Thái Lan. Tại Ấn Độ, ít nhất 13 người chết vì say nắng và hàng chục người phải nhập viện khi nhiệt độ gần 45 độ C tại Mumbai vào giữa tháng 4. Và tại Trung Quốc, hơn 100 trạm thời tiết vào tháng trước đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất, sau gần một năm kể từ đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng năm 2022.

Trên toàn cầu, 8 năm qua đã ghi nhận kỷ lục nóng nhất. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang trở nên phổ biến hơn, các chuyên gia cảnh báo rằng tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng và những điều tương tự sẽ chỉ tăng nhanh khi biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra.

Sau tháng 4 nóng nhất, một nước Đông Nam Á cảnh báo điều nguy hiểm sắp tới - Ảnh 1.

Tiến sĩ Wang Jingyu, Phó Giáo sư tại Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, người nghiên cứu mô hình khí hậu và tương tác đất-khí quyển, cho biết tháng trước là "tháng 4 nóng nhất ở châu Á".

Ông cho rằng sức nóng dữ dội là do hiện tượng El Nino sắp quay trở lại và những tác động của nó bao gồm lượng mưa giảm và nhiệt độ tăng.

Trong khi đó, một cậu bé 11 tuổi ở Malaysia đã tử vong vì say nắng và mất nước vào tháng trước. Luang Prabang (Lào) đạt mức cao kỷ lục 42,7 độ C và nhiệt độ ở Myanmar là khoảng 45 độ C.

Tại Việt Nam, ngày 7/5, trạm Tương Dương (Nghệ An) ghi nhận nhiệt độ 44,2 độ C, vượt kỷ lục 44,1 độ C mới lập một ngày trước đó tại Hồi Xuân (Thanh Hóa).

Ở Bangladesh, đã có báo cáo về việc mặt đường tan chảy dưới sức nóng chói chang ở thủ đô Dhaka. Tại Ấn Độ, chính quyền các bang đóng cửa trường học và các bộ trưởng kêu gọi trẻ em ở nhà.

Theo Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore tại Đại học Công nghệ Nanyang, một đợt nắng nóng có cường độ như vậy không thể giải thích được chỉ bằng hiện tượng El Nino.

Các hoạt động của con người, bao gồm đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và các thay đổi sử dụng đất khác, gây ra lượng khí nhà kính ngày càng tăng vào bầu khí quyển, khiến Trái Đất ấm lên.

Ảnh hưởng đến an ninh lương thực

El Nino có thể dẫn đến sản lượng thấp hơn của các sản phẩm nông nghiệp như dầu cọ, cà phê và gạo - trong đó một số nước Đông Nam Á là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu. Bên cạnh đó là đường và ngũ cốc, những mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ.

Mặc dù hiệu ứng El Nino chỉ là tạm thời, trả lời Nikkei Asia, Rubens Marques, người đứng đầu khu vực Nam và Đông Nam Á tại công ty kinh doanh nông sản châu Âu Louis Dreyfus cho biết có những lo ngại dài hạn về tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng ở châu Á chủ yếu do biến đổi khí hậu, đồng thời lưu ý đến các thảm họa thiên nhiên thường xuyên hơn như lũ lụt lớn ở Pakistan vào năm ngoái.

Sau tháng 4 nóng nhất, một nước Đông Nam Á cảnh báo điều nguy hiểm sắp tới - Ảnh 2.

Trong khi đó, Giám đốc quốc gia của Liên đoàn nông dân tự do Philippines (FFF) Raul Montemayor cảnh báo về tình trạng thiếu gạo có thể xảy ra do hiện tượng El Nino xuất hiện vào cuối năm nay.

Montemayor cho biết thời điểm El Nino bắt đầu sẽ trùng với tháng thứ hai và thứ ba của mùa mưa khi nước rất cần thiết cho sự phát triển của cây lúa.

Bên cạnh khả năng sản lượng thấp hơn tại địa phương, tình trạng thiếu nguồn cung gạo cũng có thể xảy ra trên phạm vi quốc tế, do El Nino có thể ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam, một nguồn nhập khẩu gạo chính của Philippines.

"Nếu ảnh hưởng đến (toàn bộ) khu vực ASEAN, nguồn cung gạo cũng có thể bị ảnh hưởng. Nguồn cung sẽ thiếu hụt và khủng hoảng gạo có thể xuất hiện do giá gạo tăng cao trên thị trường quốc tế", ông Montemayor cảnh báo.