Tai nạn bất ngờ
Mới đây, tài khoản mạng xã hội có tên Giang Phạm (Hà Nội) đăng tải chuyện chị gặp tai nạn bất ngờ trong ngày sinh nhật của mình. Chị bị bỏng trong lúc chụp ảnh, quay video kỷ niệm.
Trước đó, hôm 14/2, chị Giang tổ chức tiệc sinh nhật tại nhà hàng. Không gian buổi tiệc được trang trí nhiều bóng bay. Để tạo thêm điểm nhấn, chị mua thêm một chùm bóng khác và cầm trên tay.
Khi buổi tiệc gần kết thúc, một tay chị Giang cầm bánh sinh nhật đang được thắp nến, tay còn lại cầm chùm bóng bay. Chị đứng trên sân khấu, tạo dáng để bạn bè chụp ảnh, quay clip làm kỷ niệm.
Trong lúc bất cẩn, chị để chùm bóng bay tiếp xúc với ngọn nến đang cháy trên bánh sinh nhật. Bất ngờ quả bóng có kích thước lớn phát nổ, ngọn lửa bùng lên, trùm kín mặt chị.
Gặp tai nạn bất ngờ, chị vứt bỏ bánh sinh nhật, chùm bóng, hai tay ôm mặt chạy vào nhà vệ sinh. Chị lập tức dội nước lên mặt để làm giảm cơn bỏng rát. Sau đó, chị được đưa vào bệnh viện điều trị.
Chị chia sẻ: “Vụ việc xảy ra đã 6 ngày nhưng đến hôm nay, tôi mới đủ bình tĩnh để xem lại quá trình quả bóng phát nổ khiến mình bị bỏng.
Những ngày qua, bạn bè hỏi thăm, tôi đều gửi video nhưng không đủ dũng khí để xem. Vụ việc khiến tôi rất sợ. Khi biết mình bị bỏng ở mặt, tôi rất hoang mang.
Tôi khóc suốt cả một ngày vì không biết khi bị bỏng ở mặt như thế cuộc sống, công việc sau này sẽ ra sao.
Rất may, tôi bị bỏng cấp độ 1, cấp độ 2 nên được điều trị ngoại trú. Các bác sĩ đánh giá vết sẹo của tôi sau khi lành hoàn toàn sẽ không để lại sẹo. Tuy vậy, tôi phải phục hồi màu da trong nhiều tháng”.
Đoạn clip ghi lại vụ bóng bay bất ngờ phát nổ khiến chị Giang bị bỏng ở mặt. Clip nhân vật cung cấp
Bài học
Chị Giang cho biết, chùm bóng mình sử dụng trong buổi tiệc sinh nhật có chứa khí hydro nên dễ cháy.
Hôm xảy ra vụ việc đúng vào ngày lễ Tình nhân nên đơn vị bán bóng bay quên không tư vấn, khuyến cáo cho bị biết việc loại bóng bay này dễ cháy nổ.
Chị cũng chưa được nghe nhiều về các vụ bóng bay phát nổ gây bỏng cho người dùng. Do đó, khi cầm chùm bóng, chị vẫn vô tư nhún nhảy theo điệu nhạc, để chúng gần ngọn nến đang cháy.
Chị tâm sự: "Khi quả bóng phát nổ, ngọn lửa bùng cháy, bốc lên cao làm cháy cả dàn bóng bay nhà hàng chuẩn bị. May mà những bong bóng này là chứa không khí bình thường. Nếu không có thể sẽ dẫn đến vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.
Nếu biết trước, tôi không bao giờ để mình rơi vào tình huống nguy hiểm như vậy. Đó cũng là lý do tôi đăng bài viết, chia sẻ tai nạn đáng tiếc của mình.
Sau vụ việc, chị Giang khuyến cáo mọi người nên cẩn thận khi sử dụng các loại bóng bay. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tôi mong thông qua tai nạn này của mình, mọi người sẽ hiểu và cẩn thận hơn khi sử dụng các loại bóng bay, không để bản thân rơi vào tình huống nguy hiểm, xảy ra tai nạn không đáng có”.
Trước đó, báo chí cũng nhiều lần đưa tin các vụ nổ bóng bay gây cháy nổ, tại nạn nguy hiểm.
Một trong số này là vụ 7 em học sinh Trường tiểu học Yên Phú (xã Yên Phú, huyện Yên Định, Thanh Hóa) bị bỏng do nổ bóng bay xảy ra 2 năm trước.
Cách đó một năm, nữ sinh tên T.H. (15 tuổi, Tuyên Quang) cũng nhập viện cấp cứu do bị bỏng. Nguyên nhân là do T.H. sử dụng bóng bay để trang trí nhưng quả bóng phát nổ.
Để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ khi sử dụng bóng bay, mọi người cần tránh xa nguồn nhiệt, nguồn điện; Không đưa bóng bay lại gần nến, bật lửa, bếp gas, tia lửa điện hay bất kỳ nguồn nhiệt nào khác. Tuyệt đối không thả bóng bay gần đường dây điện.
Đặc biệt, người lớn cần hướng dẫn kỹ khi cho trẻ em chơi các loại bóng bay. Không nên cho trẻ chơi cùng bóng bay ở gần khu vực có những vật dụng có nguy cơ cao.