Với phụ nữ, sự quan tâm tôn trọng của chồng chính là nguồn động lực lớn nhất để họ sẵn sàng hi sinh mọi thứ vì tổ ấm gia đình.
Mới đây mạng xã hội 1 cô vợ chia sẻ chuyện hôn nhân căng thẳng sau 4 năm chung sống với chồng.
Chuyện của cô như sau: "2 năm đầu sau cưới, em gần như sốc về con người thật của chồng nên hai đứa cãi vã như cơm bữa. Khi yêu chồng em diễn giỏi, lúc nào cũng tỏ ra tâm lý, hứa hẹn rằng sau cưới việc nhà sẽ chia đôi với vợ. Thế mà cưới về rồi, vợ đẻ, ăn xong anh cũng không rửa giúp cái bát. Thậm chí hôm em sinh được nửa tháng, bà nội bà ngoại về quê, con quấy quá em còn phải úp mì tôm ăn cả ngày, chồng chẳng quan tâm. Đợt ấy em gần như trầm cảm sau sinh, nếu không có bà ngoại đỡ thì chắc em không trụ nổi tới giờ này.
Ngược đời ở chỗ, bản thân anh ấy sống vô trách nhiệm với gia đình như thế nhưng lúc nào cũng sĩ diện, thích thể hiện trước mặt người khác. Tiền kiếm được bao nhiêu nướng hết vào bia rượu mà ngồi nói chuyện ở đâu cũng chém gió rằng lấy vợ phải lo đủ thứ.
Biết tính chồng, em bơ đi bỏ ngoài tai chứ nói lại kiểu gì vợ chồng cũng cãi vã. Không thay đổi được chồng, em đành chấp nhận 'sống chung với lũ', mọi cảm xúc cũng dần chai sạn, mệt mỏi nhưng không để bản thân rơi thêm nước mắt vì sự vô tâm của anh ấy".
4 năm gắn bó, cô nhẫn nhịn hi sinh mọi thứ để lo cho gia đình. Cô quên tất cả những quyền lợi, tiếng nói riêng để chăm chút cho tổ ấm nhưng chồng cô lại không biết trân trọng, ghi nhận công sức của vợ. Thậm chí anh coi những hi sinh của vợ là điều hiển nhiên cô phải làm, cho tới khi cô không thể gồng mình nhịn nhục thêm được nữa thì căng thẳng hôn nhân ắt phải nổ ra.
Cô kể: "Hôm qua là sinh nhật mẹ chồng em. Biết ý, buổi chiều em đi làm về sớm rẽ vào chợ mua đồ về nấu 1 bữa ngon để cả nhà quây quần cho vui. Em cũng mua 1 chiếc bánh sinh nhật để tặng bà. Anh trai chị dâu chồng cũng về, anh chị ấy có điều kiện, năm nào cũng tặng bà những món quà đắt đỏ, khi thì vòng ngọc, khi thì hoa tai hoặc cả 1 bộ thực phẩm chức năng gần chục triệu.
Em không có điều kiện nên cứ sống với bà bằng tấm lòng. Em nghĩ chúng em sống chung với bà, hàng ngày tận tâm chăm sóc bố mẹ, mình không có của thì có công, có lòng với bà là được.
Tối qua cũng vậy, chị dâu lại biếu mẹ chồng em 1 túi xách tay hàng hiệu. Những món quà đắt đỏ ấy chị tặng bà không còn là lạ nữa song chồng em ngồi bên huých tay vợ rồi nói nhỏ: 'Nhìn chị đó'. Khi ấy em đã bực nhưng bơ đi không nói gì. Đợi tới khi xong việc, vợ chồng về phòng em mới lấy từ tủ mảnh giấy ghi nợ của chồng đặt xuống bàn bảo: 'Anh muốn tôi được như chị dâu, biếu mẹ đồ hiệu thì anh tự trả hết số nợ này cho người ta đi. Nếu không phải gánh nợ thay anh trả mấy trăm triệu này, tôi cũng có thể biếu mẹ những món quà xa xỉ ấy để anh được nở mày nở mặt đó'.
Năm ngoái chồng em chơi bời nợ người ta 300 triệu. Hiện hàng tháng em vẫn đang phải trả dần, đó cũng là lý do mà tài chính của em không được dư giả. Chồng em nhìn tờ giấy nợ ấy ngồi im, không còn dám ý kiến thêm nửa lời. Em cũng nói thẳng nếu anh còn sống vô trách nhiệm, em sẽ giao lại toàn bộ số nợ đó cho tự lo và thực hiện thân ai người ấy lo để em nhẹ gánh".
Chia sẻ của người vợ trong câu chuyện trên chính là ví dụ điển hình cho những bức bối, áp lực mà mỗi phụ nữ gặp phải khi kết hôn với người chồng không biết suy nghĩ, lập trường của vợ. Từ đó việc cô đứng lên phản kháng lại sự vô tâm của chồng là điều khó tránh khỏi.