Sinh ra ở vạch đích, loạt thí sinh tươi cười sau khi làm bài thi vì biết trước mình đã đỗ Đại học!

Thay vì phải chịu áp lực thi cử căng thẳng, nhiều thi sinh vui vẻ vì bản thân đã đỗ đại học nhờ được tuyển thẳng  

14h ngày 24/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước đã làm thủ tục dự thi THPT quốc gia. Tại điểm thi trường THCS Nghĩa Tân (Hà Nội), trong khi nhiều em hồi hộp, đến sớm trước cả tiếng thì một số khác lại tỏ ra vui vẻ, cười nói không ngừng với bạn bè. Phần lớn số thí sinh này đã trúng tuyển một đại học.

Có mặt ở điểm thi trước giờ tập trung khoảng 30 phút, Đinh Minh Đức, cựu học sinh trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội, tỏ ra thoải mái. Em dự thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và tổ hợp Khoa học xã hội với mục tiêu duy nhất xét tốt nghiệp, vì đã trúng tuyển vào Đại học RMIT nhờ có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.5 và ba năm THPT đạt học sinh giỏi.

"Chỉ cần tốt nghiệp THPT, em sẽ nhập học trường này", Đức nói và cho biết bố mẹ cũng động viên em theo học ngôi trường có tính chất quốc tế thay vì bắt buộc phải đỗ một đại học công lập. Không bị áp lực nhiều như các bạn khác, em vẫn tự tin đạt trên 5 điểm mỗi môn.

Giống Đức, Nam Dương, cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, dự thi ba môn bắt buộc và tổ hợp Khoa học xã hội. Đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng thực tế em chỉ thi để xét tốt nghiệp.

"Được tuyển thẳng vào trường nhờ có điểm SAT đạt 1510/1600, nhưng em chưa quyết định học hay không vì muốn dành một năm nghỉ ngơi (gap year) để tìm học bổng du học Mỹ ở ngành giáo dục và triết học. Bố mẹ em cũng rất đồng ý với hướng đi này", Dương nói.

Nhờ định hướng sớm, Nam Dương ôn thi không quá vất vả hay áp lực. Em chỉ đi học thêm nhiều vào khoảng một tháng cuối vì không muốn bị điểm kém. Nữ sinh "chỉ sợ ngày mai ngủ quá giờ thi" hy vọng sẽ đạt trên 8 điểm Văn, trên 9,5 tiếng Anh và trên 7 điểm với các môn còn lại.

Tại điểm thi THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội), Nguyễn Phương Thảo, cựu học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, khá thoải mái trước kỳ thi vì đã lựa chọn du học. Ngoài ba môn bắt buộc, em đăng ký tổ hợp Khoa học xã hội và cho rằng sẽ hoàn thành tốt để xét tốt nghiệp. Trong đó, Ngữ Văn và Tiếng Anh là hai môn em học tốt nhất nên hy vọng được 8 điểm.

Ước mơ trở thành tân sinh viên Đại học FPT, Nguyễn Hoàng Việt, cựu học sinh trường THPT Thực nghiệm, đã chọn xét tuyển học bạ vào ngành Quản trị kinh doanh. So với các bạn xét tuyển bằng điểm thi THPT, em ôn tập ít hơn và không chịu áp lực điểm số.

"Tham dự kỳ thi lần này chỉ để xét tốt nghiệp THPT, thời gian qua em chỉ ôn kỹ sách giáo khoa và những phần cô giáo giảng trên lớp", Việt nói và cho hay đối với môn Toán và Khoa học tự nhiên, em tập trung ôn trong phạm vi 6 đến 7 điểm. Môn Văn không phải thế mạnh nên em chọn học thuộc ý chính kết hợp đọc nhiều bài văn mẫu.

Không chỉ những thí sinh đã đỗ đại học, ngay cả những em chưa đỗ nhưng lựa chọn đại học tư thục cũng không lo lắng trước kỳ thi THPT. Tại điểm thi THPT Marie Curie (TP HCM), thí sinh chủ yếu từ hai trường Marie Curie và THPT Nguyễn Thị Diệu rất tự tin vì đây là hai trường có mặt bằng khá.

Với học lực giỏi, học đều các môn, Lê Hoàng Bảo Trâm (quận 3) chỉ đặt mục tiêu tốt nghiệp ở mức khá. Trâm kể ba mẹ hướng cho em vào một đại học tư thục ở TP HCM, ngành truyền thông đa phương tiện. Điểm chuẩn hàng năm vào trường chỉ tầm 15 thi THPT, hoặc 18-20 nếu xét học bạ. "Các mục tiêu trên không khó, nhưng không vì thế mà em lơ là. Em vẫn thi hết sức để biết lực học mình thực sự tới đâu", Trâm chia sẻ.

Tương tự, thí sinh Vũ Hồng Ân (quận Bình Thạnh) với thế mạnh các môn Khoa học tự nhiên và Tiếng Anh tỏ ra thoải mái trước kỳ "vượt vũ môn". Nguyện vọng theo học ngành Tài chính - Kế toán của Đại học Công nghệ TP HCM, Ân tự tin sẽ bước vào giảng đường đại học với điểm số tốt.

"Hồi đầu năm ba mẹ đặt mục tiêu cho em vào các trường Ngoại thương hoặc Kinh tế nên em khá áp lực. Qua học kỳ hai, sau khi tìm hiểu các trường ba mẹ chuyển hướng qua học trường tư vì thấy không nhiều chênh lệch về chất lượng", Ân kể. Việc học của nam sinh từ đó nhàn nhã hơn, mỗi ngày em chỉ mất 3-4 tiếng ôn bài, chủ yếu là học lại những gì đã nắm chắc trong suốt một năm. 

Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Thí sinh sẽ làm các bài thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Theo quy định, ngoài kỳ thi THPT quốc gia, trường đại học có thể tổ chức tuyển sinh theo đề án riêng và tuyển nhiều đợt. Vì thế, một số trường quốc tế, dân lập và công lập (Đại học Luật TP HCM) đã tuyển được sinh viên.

Nguồn: VnExpress

Xem thêm: Mẹ bật khóc trước cổng trường vì con gái nói chỉ làm được 8 điểm