Khang A Tủa là chàng trai H’mông đầu tiên đỗ ĐH Bách khoa. Tuy nhiên, sau 2 năm cậu đã xin nghỉ học. Giờ đây, A Tủa là chàng sinh viên tại ĐH Fulbright.
Hành trình đến với Đại học Fulbright của Khang A Tủa giống như một câu chuyện cổ tích của Mù Cang Chải - một câu chuyện không bắt đầu từ đồng lúa, mà lại bắt đầu từ cậu bé H’Mong 5 lần 7 lượt bỏ học, có ông bố người Mông mù chữ và nghèo thê thiết, nhưng nhẫn nại tột cùng để đưa con đến Đại học Fulbright.
Bố Tủa là một ông bố người Mông mù chữ, nói tiếng Kinh còn bập bẹ. Nhưng kể cả ngày hôm nay, khi Tủa đã là chàng sinh viên nổi tiếng của Đại học Fulbright, Tủa vẫn ngưỡng mộ và đầy tự hào khi nói về ông bố dân tộc mù chữ ấy - người đã dạy cho Tủa những bài học giá trị nhất về cuộc đời, mà bài học đầu tiên đó là không bao giờ được từ bỏ việc học.
Nhà quanh năm không đủ ăn, để trang trải cuộc sống, bố Tủa phải đi làm phu mỏ, khuân vác. Để con trai mình không sợ đến trường, bố Tủa đã gác hết mọi chuyện mưu sinh để ngày ngày cùng con đi học, nhẫn nại ngồi học cùng con trai hết ngày này qua ngày khác, cho đến tận khi Tủa nói với bố rằng cậu đã bắt đầu thấy yêu trường học.
“Ruộng đất rồi sẽ có thể sẽ không còn. Nhưng cái chữ thì không bao giờ mất. Con đừng bao giờ từ bỏ.”, bố Tủa luôn nói với con trai mình như thế. Vì nghe bố, Tủa đã trở thành một trong những học sinh giỏi nhất của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Việt Bắc một thời, cũng là thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp năm đó.
Nhưng Tủa lại luôn mang trong lòng mình một nỗi dằn vặt. Tủa luôn sợ nếu mình đi học đại học thì có nghĩa là cậu sẽ chặn đứt con đường tương lai của các em mình. Mà Tủa thì không đành lòng khi cả gia đình gồm 7 người phải hy sinh cho mình.
Những ngày trước khi thi đại học, bố Tủa bị tai nạn mất sức lao động, Tủa một lần nữa nghĩ đến việc bỏ học. Nhưng bố thấy vậy lại một lần nữa động viên con trai: “Mình không thể thay thế cuộc đời này bằng cuộc đời khác. Bố mẹ sinh con ra không vì kỳ vọng con sẽ hi sinh cho gia đình”. Và Tủa quyết tâm khăn gói đi thi đại học.
Ngày nhận được kết quả báo đỗ vào Đại học Bách khoa, Tủa ngồi với bố suốt một đêm. Hai người đàn ông trụ cột trong gia đình cùng nhau giải bài toán làm thế nào để Tủa có thể lên Hà Nội học.
Nhà Tủa có một vườn thảo quả tít sâu trong rừng, một ruộng lúa nhỏ không năm nào trồng đủ thóc cho một gia đình với 9 miệng ăn, thêm 1 đàn gà 10 con. Sau khi quyết với nhau như thế, bố Tủa rút ra 2 triệu đồng đã nhăn nheo, nhàu nhĩ, là toàn bộ số tiền mà ông đã tích cóp cả đời. Ông dặn dò con trai rằng: “Đó là toàn bộ những gì bố có. Con cầm nó đi học, rồi sau này phải tự tìm cách lo cho mình”.
Và cậu bé người Mông xuống Hà Nội với 2 triệu bố cho, nhập học ở trường Đại học Bách khoa rồi tự lăn lộn mưu sinh theo mọi cách mà cậu có thể, kể cả việc đi mua từng thùng mì tôm về bán dạo trong khuôn viên ký túc xá.
Sụp đổ khi rời bỏ Bách khoa nhưng vụt sáng trở lại với giấc mơ Fulbright Việt Nam
Dù trở thành sinh viên của trường Đại học Bách khoa là giấc mơ của Tủa, nhưng khi đã đạt được giấc mơ ấy, cậu lại nghi ngờ chính bản thân mình. Trên facebook cá nhân, Khang A Tủa có viết một note nhỏ: “Chọn trường để học cũng như chọn vợ, chọn chồng để lấy. Đã là chọn người chung đường với mình mãi thì phải chọn người phù hợp với mình nhất, chứ không phải chọn kẻ giàu, người sang hay chọn kẻ đẹp người xinh”.
Sau hơn 1 năm học thì Tủa sớm nhận ra Đại học Bách khoa Hà Nội dù vẫn luôn là một trường đại học hàng đầu nhưng lại không hề phù hợp với cậu. Tủa thích làm thầy giáo hơn là thích học Hoá. Tủa thích làm những công việc liên quan đến xã hội, đến cộng đồng hơn là ngồi từ ngày này qua ngày khác ngồi trong phòng thí nghiệm. Nên cuối cùng, sau hơn 2 năm học Bách khoa, Tủa đã lựa chọn nghỉ học.
Trong suốt hơn 1 năm sau khi nghỉ học, A Tủa cùng những cô bạn, cậu bạn người Mông thành lập dự án “action for Hmong’s Development” - “ Hành động vì sự phát triển của người H’mong”. Tủa vừa tranh thủ đi làm thêm ở các nhà hàng, quán ăn để kiếm sống; vừa dành thời gian để đi khắp các vùng núi cao của người Mông để đi sưu tầm lại các câu chuyện cổ tích của người Mông, mang về tập hợp lại nó trong một bộ sách bằng cả tiếng Mông và tiếng Kinh rồi gửi đến các trường học vùng cao với hy vọng các thầy cô giáo sẽ dùng chính những câu chuyện đó để dạy trẻ con người Mông.
Tủa cũng làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận như ISEE trong những dự án mà cậu cảm thấy có thể giúp ích cho cộng đồng mình. Một nhà tuyển trạch của Đại học Fulbright Việt Nam đã vô tình bắt gặp A Tủa trong một dự án xã hội như thế và khuyến khích Tủa nộp đơn vào Đại học Fulbright Việt Nam.
“FUV không chỉ tìm kiếm những người giỏi nhất, xuất sắc nhất, mà còn chọn cả những viên ngọc thô - những người mà chúng tôi nhìn thấy ở họ tiềm năng và sự sẵn sàng thay đổi.”, đó là những gì Chủ tịch Đàm Bích Thuỷ nói. Và ở FUV, có lẽ chẳng có gì thô mộc và hoang dã như chàng trai Khang A Tủa.
Khi nộp đơn dự tuyển vào Fulbright, vốn tiếng Anh của Tủa chỉ là thứ tiếng mà Tủa học mót được khi phục vụ các du khách Tây ở trong quán ăn. Để viết bài luận trong hồ sơ dự tuyển, chàng trai H’mông đã dùng Google translate 100%. Khi tham gia vòng phỏng vấn chính thức của FUV cùng với rất nhiều thí sinh khác trong cả nước, A Tủa có lẽ không có gì nhiều nhặn ngoài sự can đảm và lạc quan.
“Khi mà các thầy cô trong ban tuyển sinh phỏng vấn em bằng tiếng Anh, em thậm chí không thể hiểu họ nói gì chứ đừng nói trả lời họ. Cuối cùng, em trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt.
Các bạn thí sinh khác cùng tham gia phỏng vấn với em đã giúp em dịch sang tiếng Anh. Em đến bây giờ vẫn mãi cảm động, vì có thêm em tức là có thêm một người cạnh tranh, có thêm một đối thủ. Các bạn ấy có thể lựa chọn không giúp em để cho mình thêm cơ hội, nhưng đã không làm thế. Nên kể cả khi ấy chưa biết mình trúng tuyển, em đã biết rằng em thích được học cùng với những người bạn như thế, ở một nơi ấm áp như thế.”, Tủa kể lại.
Hôm đó, các giáo sư trong hội đồng tuyển sinh hỏi A Tủa "Nếu được kiến tạo một môn học mới trong năm đồng kiến tạo, em sẽ đề xuất gì?", Tủa trả lời ngay lập tức: "Một môn học về văn hoá bản địa.
Một cuộc tranh luận quyết liệt đã nổ ra trong Hội đồng tuyển sinh về trường hợp của ATủa. Những người phản đối lo ngại về trình độ Tiếng Anh của Tủa; lo ngại về khoảng cách 5 tuổi sẽ khiến Tủa không thể hòa đồng được với các bạn bè cùng khóa. Nhưng những người ủng hộ thì tin rằng Tủa là viên ngọc thô mà FUV có thể mài giũa được.
Nên cuối cùng, Khang A Tủa được chọn. Trong hồ sơ trúng tuyển của Tủa, Hội đồng FUV có ghi rất rõ: “Tủa được chọn vì đã kể một câu chuyện thuyết phục và thể hiện được đích xác những phẩm chất mà Fulbright tìm kiếm ở các sinh viên đồng kiến tạo, đó là tinh thần ham học hỏi, tính tiên phong, hướng tới cộng đồng và nỗ lực bền bỉ”.
Cả một chương trình hỗ trợ đặc biệt về tiếng Anh đã được FUV thực hiện với A Tủa để giúp Tủa có thể bắt nhịp được với bạn bè.
Tủa không bao giờ than vãn, nhưng có những tháng, Tủa vẫn phải dành phần lớn khoản tiền học phí của mình để gửi về nhà giúp bố mẹ nuôi các em. Cho đến tận bây giờ, bố mẹ Tủa vẫn không hề biết gì về ĐH Fulbright ngoài những lời kể của con trai. Họ vẫn sống trong ngôi nhà sàn nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi, vẫn ngày ngày lo sao kiếm đủ thóc để nuôi sống cả gia đình.
Đó là lý do Tủa và các bạn bè mình lập những dự án hành động vì sự phát triển và tương lai của cộng đồng người Mông. Ví dụ như mùa hè vừa rồi, Tủa ở lại Hà Nội, vừa chạy xe ôm, vừa thực hiện dự án Vườn Mơ để đưa 22 trẻ em người Mông ở vùng cao Tây Bắc xuống Hà Nội, dạy cho chúng những bài học, những kỹ năng đầu tiên về việc sinh tồn giữa thành phố.
Cũng mùa hè vừa rồi, A Tủa lập dự án “Ná Nả, Mẹ ơi, mẹ ơi”, để các bà mẹ người Mông, có thể bán những sản phẩm do chính họ làm ra với người miền xuôi và cả người nước ngoài.
Mặc cảm thua kém, ngượng chín mặt với câu nói thức tỉnh của vị giáo sư
Ở Fulbright, những ngày lên lớp mà không thể hiểu 1/5 những gì thầy cô nói, phay hải tốn gấp 3 thời gian so với bạn bè để làm bài tập về nhà là việc Tủa đã trải qua. Bị một quỹ giáo dục cắt học bổng vì thành tích học tập không như kỳ vọng cũng là nỗi ngượng chín mặt mà chàng trai H’Mông luôn khao khát lọt “Top” phải đối mặt.
Tủa kể lại:“Vì chẳng có trải nghiệm nào trong đó là dễ dàng nên có lần em đã tâm sự với một giáo sư về nỗi mặc cảm thua kém lớn dần lên mỗi ngày trong lòng em. Vị giáo sư ấy nói với em như này: Đừng quan tâm cậu hơn ai hay thua kém ai. Cậu chỉ cần tự hỏi cậu ngày hôm nay có tốt hơn chính cậu ngày hôm qua hay không là đủ”.
Đó là câu nói giúp Tủa trút hết đi được tất cả những gánh nặng trong lòng, để sẵn sàng tham gia vào các buổi học mà không hề e sợ; sẵn sàng hỏi những từ mình không biết; sẵn sàng đưa ra một ý kiến nào đó mà không sợ bị bạn bè cười.
Bài biện luận đầu tiên của Tủa bị giáo sư môn Biện luận gạch đỏ chi chít, chữa từng câu, từng từ. Nhưng bây giờ, những gạch bút đỏ đã ít dần đi mỗi ngày. Ngày xưa Tủa luôn phải gồng mình lên để sống, giờ Tủa sẽ cười lúc cậu vui và khóc khi cảm thấy buồn. Tủa đang học cách để là chính mình nhưng ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua.
Ngày 25/3/2019, Tủa đã nhận được một tấm card visit mà Đại học Fulbright làm cho Tủa. Trên tấm card có ghi “Khang A Tủa/ Co -design year student/ Sinh viên đồng kiến tạo”. Tình cờ thay, 3 năm trước, cũng vào đúng ngày 25/3, Tủa đã rời khỏi Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ở FUV, Tủa rất nổi bật khi đứng giữa các bạn đồng môn với chỏm tóc đuôi gà đặc trưng của người Mông và bộ quần áo dân tộc do chính mẹ Tủa khâu từng mũi cả năm trời. “Em không muốn quên mình là ai, mình từ đâu tới.”, A Tủa giải thích.
Tủa mang trong lòng mình rất nhiều nỗi ưu tư về cộng đồng người Mông của mình, về gia đình mình, về giáo dục, về tương lai và số phận của người Mông. Và có lẽ đó là lý do Tủa là một trong 54 sinh viên đầu tiên được FUV lựa chọn để cùng “đồng kiến tạo” lên lịch sử và tương lai cho ngôi trường này.
Tủa không thích cách người Kinh lên vùng cao làm từ thiện. Vì sau khi nhận quần áo, nhận lương thực, nhận tiền..., người vùng cao ngày càng ỷ lại vào sự giúp đỡ. 100 năm trước, người Mông đã nổi tiếng với khả năng tự cung tự cấp.
“Em nghĩ vùng cao không cần xây thêm trường nữa. Vì trường học ở vùng cao có lẽ đã tương đối đủ rồi. Em không hiểu những thầy cô giáo không biết tiếng Mông, không hiểu văn hóa Mông, không yêu trẻ con người Mông sẽ dạy trẻ con thế nào ở những vùng như quê em?”, Tủa nói.
Vì vậy nên khi cùng “đồng kiến tạo” xây dựng chương trình học cho FUV, Khang A Tủa mong mình tích luỹ được kiến thức để một ngày nào đó, cậu có thể góp sức vào việc kiến tạo nên một chương trình học phù hợp hơn cho người Mông.
Theo Kenh14.vn
* Nội dung liên quan: