"Tôi từng ly hôn với người chồng đầu chỉ vì không có con. Giờ người mà tôi định tiến đến hôn nhân lại có con riêng. Con riêng của anh ấy đang tuổi lớn, tôi biết sống chung với con riêng của chồng chẳng dễ dàng gì. Thỉnh thoảng, tôi đến chơi, cháu khá là ngang bướng. Trước mặt anh, cháu "vâng vâng, dạ dạ", làm theo những gì tôi nói nhưng sau đó lại làm theo ý của mình.
Tôi nghĩ đến cảnh những lúc phải lớn tiếng mắng mỏ, dạy bảo rồi sẽ mang tiếng mẹ ghẻ con chồng. Rồi bị mọi người soi mói, gièm pha rằng "cây khô không trái, gái độc không con" nên rất buồn. Nhưng vì tôi không có con nên thấy thương con riêng của người ấy và thấy mình cần có trách nhiệm. Tôi chỉ muốn những điều tốt đẹp cho gia đình của mình sau này. Không biết tôi phải làm thế nào để sống chung, hòa hợp được với con riêng của chồng?".
Đây là câu chuyện đầy trăn trở của một người phụ nữ từng đau khổ trong hôn nhân vì không sinh được con, đã chia tay với chồng cũ. Giờ cô muốn tiến tới hôn nhân với người đàn ông khác đã có con riêng và lo lắng sẽ không hoà hợp với con chồng bởi sự khác biệt.
Mang nặng những tâm tư đó, cô đã tìm đến chuyên gia tâm lý Hồng Hương, Thường trực Thư viện Lưu trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để tìm được giải pháp tốt nhất cho chuyện tình cảm của mình.
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, mọi đứa trẻ có đặc thù chung là yêu thương và muốn được yêu thương.
"Trong trường hợp của bạn, đứa trẻ có những cá tính biểu hiện bằng những hành vi chưa được dễ thương. Bạn hãy tĩnh tâm một chút, quan sát đằng sau những chống đối, đằng sau những ngôn ngữ kém dễ thương thì thường ẩn chứa điều gì đó: Có phải chăng là cảm giác cô đơn do không có mẹ ở bên cạnh, là nỗi sợ hãi bị mẹ mới chiếm mất người cha?...
Song dù trong tình huống nào thì việc sống chung cùng với con riêng của chồng cũng cần phải có sự cố gắng ở bạn và sự phối hợp của bố đứa trẻ, thậm chí cả mẹ đẻ và gia đình chồng. Tuy nhiên tôi thấy rất vui vì qua câu bạn hỏi tôi ngầm hiểu là bạn đã quyết định kết hôn với bố của đứa trẻ và bạn đi tìm giải pháp để đạt tới kết quả là sống hòa hợp với con chồng.
Vậy chúng ta bắt đầu từ chính bạn. Bạn cần thực hiện ba bước sau:
Bước một: Điều chỉnh suy nghĩ. Bạn hãy nghĩ rằng thật may mắn vì bạn lấy một người chồng mà người chồng đã có con riêng. Vì sao vậy? vì bạn không phải chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau nhưng tự dưng có một đứa con. Điều mà bạn khao khát bao năm bây giờ trời thương trao cho bạn.
Nếu con của anh ấy lên 10 tuổi thì tức là ai đó đã nuôi con hộ bạn 10 năm. Con anh ấy 15 tuổi tức là có ai đó đã đẻ thuê cho bạn, rồi nuôi con hộ bạn trong 15 năm và trong những năm tháng đó bạn thoải mái được trải nghiệm cuộc sống ở ngoài kia.
Vậy chẳng phải giống như bạn tìm thấy đứa con thất lạc của mình hay sao? Tiếp nữa, tại sao đứa trẻ đó chưa nghe theo bạn - khác bạn?.
Bạn và đứa trẻ sống trong những hoàn cảnh khác nhau, giờ mới gặp nên đứa trẻ ấy khác bạn là điều bình thường. Và bạn nhớ nhé, suy nghĩ sẽ quy định những hành vi và ứng xử tiếp theo của bạn. Nên nếu nếu bạn chưa suy nghĩ được là mình may mắn, e rằng sự hòa hợp khó đến được. Nhưng tôi biết, bạn đã đặt câu hỏi là bạn đã đi tìm giải pháp và với lòng trắc ẩn, với tình yêu thương, bạn chắc chắn có được tư duy tích cực và đúng đắn.
Bước hai: Chuẩn bị kiến thức tâm lý. Một là tâm lý lứa tuổi chung (bạn có thể quan sát những đứa trẻ khác cùng tuổi con bạn hoặc tham khảo những phụ huynh có con ở lứa tuổi của con bạn). Điều quan trọng thứ hai bạn cần tìm hiểu là tâm lý nghịch cảnh vì nó tạo ra cá tính con người. Từ 2 tâm lý này chúng ta hoàn toàn có thể giải mã đúng được suy nghĩ và hành vi của con trẻ.
Bạn đã có suy nghĩ tích cực, bạn đã có kiến thức về tâm lý để hiểu con thì tôi chắc chắn đến đây bạn sẽ rất yêu và thương con. Cuối cùng, hiểu rồi, thương rồi bạn sẽ lựa chọn được phương pháp thái độ ứng xử phù hợp với trẻ.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương
Tôi chỉ có thêm một lưu ý quan trọng trong tình huống này không chỉ cho bạn mà cho tất cả phụ huynh là: Trong mọi tình huống, cần phải biết cách dẫn dắt cảm xúc của mình trước khi dẫn dắt cảm xúc của con trẻ.
Khi mình dẫn dắt được cảm xúc của chính mình để ứng xử hài hòa, yêu thương trẻ thì trẻ chắc chắn sẽ yêu thương bạn vì mọi đứa trẻ luôn mô phỏng lại chính cách hành xử của người lớn với trẻ.
Khi bạn không phải là người đẻ ra đứa trẻ mà bạn nỗ lực như gợi ý, bạn hiểu trẻ, thương trẻ thì một mai, trẻ lớn hơn sự trân trọng trẻ dành cho bạn, thậm chí còn nhiều hơn rất nhiều với những phụ huynh mà sai lệch tư duy, thiếu kiến thức, không có phương pháp dạy con.
Tôi tin bạn sẽ là người mẹ tốt của con và con là món quà mà Thượng đế đã ban cho sự nhân ái, trách nhiệm và nỗ lực của bạn".