Mỗi cuối tuần, studio sẽ “thay đổi thân phận”, trở thành một địa điểm nghiên cứu nghệ thuật, là nơi có những con người đắm chìm trong thế giới của riêng mình.
Vào những ngày nghỉ, bạn thường làm gì để tận hưởng chút thời gian ít ỏi này? Tập thể dục thể thao, đi tiệm cafe, xem triển lãm tranh, còn có thể cùng vài người bạn làm thủ công, phát huy khả năng sáng tạo.
Hôm nay chúng ta hãy “bay” đến Melbourne (Úc) để ngắm nhìn studio tranh cắt ghép - that paper joint..
Chủ sở hữu của studio nghệ thuật độc đáo này là đôi bạn trẻ Maximillian Malone và Zoe Crook. Tháng 11/2021, cả hai khai trương studio đã hoạt động cho đến nay.
Bất kể ngày thường hay cuối tuần, studio that paper joint. luôn có những người "chẳng biết gì về nghệ thuật nhưng vẫn muốn sáng tạo" đến chơi.
that paper joint. không chỉ là studio thủ công đơn thuần, mà còn tích hợp với nhiều mô hình khác như quán bar, tiệm cafe, phòng tranh, sân chơi. Cũng có thể nói, nó giống như một ngôi nhà đầy bao dung dành cho nhiều kiểu người với đủ loại sở thích khác nhau.
Bản thân Maximillian Malone là nhà nghệ thuật thị giác, có niềm đam mê vô bờ với thiết kế và cắt ghép.
Những góc đặt thành phẩm tranh cắt ghép tại studio the paper joint.
that paper joint. là studio tranh cắt ghép đầu tiên ở Melbourne. Nơi đây khuyến khích mọi người dùng giấy để sáng tạo nghệ thuật, bất kể bạn có nền tảng hoặc năng khiếu hay không.
Cắt ghép có thể là quá trình chất chứa sự đa sầu đa cảm, hướng nội. Nó giống như viết nhật ký vậy. Nhưng chúng tôi thật sự muốn dành cho mọi người một không gian để cảm thấy thích thú và vui vẻ. Diện tích không quá lớn nhưng ấm cúng và gần gũi, đủ để mọi người tỏa sáng và đắm chìm trong thế giới sáng tạo.
Khi bước vào studio của that paper joint., có lẽ bạn sẽ choáng ngợp bởi những giá sách, cao thấp đều có đủ. Những quyển sách được xếp ngay hàng thẳng lối trên giá, khiến bạn không khỏi ngỡ rằng bản thân đã bước nhầm vào thư viện, chứ không phải studio nghệ thuật.
Những quyển sách, tạp chí... là nguyên liệu cho sáng tạo trang cắt ghép.
Song, nếu người thủ thư nào đó đứng trong studio này chắc chắn sẽ “bất tỉnh nhân sự” vì những cuốn sách trước mặt không phải dùng để đọc hay nghiên cứu, mà đang đợi người nào đó đến chọn và cắt dán, tạo thành tác phẩm hoàn toàn mới.
Hẳn rằng khi nghe đến việc cắt dán giấy tờ, bạn sẽ nghĩ nơi đây luôn ngập chìm trong giấy và giấy, thậm chí còn bừa bộn và không thân thiện với môi trường.
Nhưng, bạn nên yên tâm vì that paper joint. luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, kêu gọi mọi người mang những cuốn sách, tạp chí, báo giấy, hình dán và bất cứ nguyên liệu giấy bỏ đi đến studio để “ban tặng” cho chúng cuộc sống mới.
Đồng thời, studio còn có rất nhiều tạp chí cũ, tập tranh và báo giấy được các nhà nghệ thuật quyên tặng.
Túi bán ở studio được làm 100% từ giấy thu mua phế liệu, mỗi cái túi được bán ra sẽ cứu lấy một cái cây trên hành tinh này.
Không gian sáng tạo của các "nghệ thuật gia".
Đối với Maximillian Malone, cắt dán là bài học nhập môn nghệ thuật không đòi hỏi bất kỳ kỹ năng chuyên môn hay kiến thức nào. Người sáng tạo không cần mua vải bố hay nguyên liệu cao cấp đắt tiền, mà có thể tìm kiếm ngay trong nhà của mình.
“Những bức tranh cắt dán thú vị và hay ho luôn được tạo ra bởi bàn tay của những con người không hiểu về nghệ thuật”, Maximillian cảm thán.
Mặt trời buông xuống, studio nằm ở trung tâm Brunswick (vùng nội ô ở thành phố Melbourne) tỏa ra ánh sáng dịu dàng và ấm áp. Ít ai biết rằng trước đây, studio này là một trung tâm điều trị.
"Nghệ thuật gia" và thành phẩm sáng tạo tranh cắt ghép ở studio the paper joint.
Nhưng giờ đây, nó đã có một chút thay đổi. Vẫn là "chữa trị", nhưng là dùng nghệ thuật để chữa lành. Tại đây, người ta có thể dành chút thời gian để làm thủ công, thỏa sức sáng tạo.
Maximillian Malone sẽ cung cấp nguyên liệu và dụng cụ, tận tình hướng dẫn khách hàng cắt dán, để trí tưởng tượng thăng hoa và được thể hiện trên những bức tranh thủ công.
Mỗi cuối tuần, studio sẽ “thay đổi thân phận”, trở thành một địa điểm nghiên cứu nghệ thuật, là nơi có những con người đắm chìm trong thế giới của riêng mình.
Nguồn: Thepaper