Ngày 5/7, thông tin ca sĩ nhạc pop Coco Lee (Lý Văn) qua đời sau khi tự vẫn đã gây chấn động dư luận Trung Quốc. Gia đình xác nhận nữ ca sĩ Hong Kong, người có tầm ảnh hưởng lớn trong nền âm nhạc tiếng Hoa hưởng dương 48 tuổi và đã phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm một thời gian dài.
Coco Lee luôn giàu năng lượng và tự tin trước công chúng
Bên cạnh việc ca ngợi sự nghiệp 30 năm và tiếc thương Coco Lee, tin tức này đã làm dấy lên các cuộc thảo luận về vấn đề sức khỏe tâm thần trên mạng xã hội Trung Quốc.
Sức khỏe tâm thần chưa được coi trọng
Là một cái tên quen thuộc ở Trung Quốc, ca sĩ người Mỹ gốc Hong Kong được công chúng biết đến và yêu mến với năng lượng tràn đầy sức sống, tự tin và luôn nở nụ cười trên sân khấu. Nhiều người đã không tin sau khi tin tức được xác nhận vào đêm muộn ngày thứ Tư.
"Tôi không thể tin được điều này. Cô ấy luôn là cô gái tỏa nắng, thích ca hát, nhảy múa và hay cười", một bình luận được hơn 3.000 lượt thích trên nền tảng Weibo viết.
"Vậy trên đời này còn có người hạnh phúc sao?", một người khác bình luận.
Các hashtag như "trầm cảm ở gần bạn đến mức nào", "các triệu chứng trầm cảm" đã trở thành xu hướng trên các nền tảng trực tuyến khác nhau. Các phương tiện truyền thông như CCTV, People's Daily và China Daily cũng đăng tải các bài viết nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về trầm cảm và bệnh tâm thần.
Tiến sĩ Jia Miao, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải, cho biết: “Mọi người có thể cảm thấy điều này ngày càng trở thành một vấn đề cấp bách. Đây là một ví dụ cho một tình trạng đáng báo động mà Trung Quốc hiện phải đối mặt: số lượng người mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng tăng nhanh và mạng lưới y tế chưa sẵn sàng để đối phó”.
Cứ 7 người Trung Quốc thì có 1 người mắc ít nhất một loại bệnh rối loạn tâm thần trong đời
Trầm cảm, hay bất kỳ bệnh tâm thần nào, từ lâu đã bị xã hội Trung Quốc kỳ thị. Từ “bệnh tâm thần” (jingshen bing) trong tiếng Trung nghe khá tương tự thuật ngữ xúc phạm “bệnh điên” (shenjing bing). Nhiều người có vấn đề về sức khỏe tâm thần vẫn bị coi là người mất trí.
Theo Ke Ren, người sáng lập tài khoản mạng xã hội "Viện nghiên cứu trầm cảm", phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần ở Trung Quốc đều không được chẩn đoán đúng mức và đúng lúc: "Chúng tôi thường nghe những tin tức như ‘ai đó không đạt điểm cao ở trường nên họ đã nhảy lầu’, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội hỏi những người đó ‘chuyện gì đã xảy ra?’, và ‘họ cần sự giúp đỡ gì?’”.
Theo Khảo sát Sức khỏe Tâm thần Trung Quốc được công bố vào năm 2019, cứ 7 người Trung Quốc thì có 1 người mắc ít nhất một loại bệnh rối loạn tâm thần trong đời.
Trong 10 đến 15 năm qua, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng, áp lực đối với mọi người đã tăng lên. Tiến sĩ Miao từ Đại học New York Thượng Hải cho biết người dân Trung Quốc đã kiệt sức khi các cuộc cạnh tranh ở trường và nơi làm việc trở nên khốc liệt hơn. Covid-19 trong những năm qua cũng khiến tình hình tồi tệ hơn. Có quá nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra trong đại dịch. Nỗi lo lắng về thu nhập, khó khăn khi tìm việc làm tiếp tục gia tăng.
Những thay đổi bước đầu
Cái chết của Coco Lee - một ca sĩ thành công, giàu có, xinh đẹp và có hàng triệu fan hâm mộ nhưng lại bị trầm cảm chính là một hồi chuông cảnh tỉnh nữa giúp xã hội nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe tâm thần. Vấn đề này hiện đã không còn là “cấm kị” trong xã hội, dù vẫn chưa được đánh giá đúng mực.
Đầu năm nay, cái chết của 4 thanh niên do tự tử tại một điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về sức khỏe tâm thần và áp lực xã hội ở Trung Quốc.
Tiến sĩ Miao cho biết: “Một số người thấy mình mắc phải những vấn đề tâm lý đã bắt đầu sẵn sàng chia sẻ với gia đình và bạn bè, đồng thời tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia và thái độ đối với chủ đề này đang dần dần được thay đổi”.
Định kiến về bệnh tâm thần đang bước đầu được gỡ bỏ
Ngay cả những người được coi là thành công cũng bắt đầu chia sẻ trải nghiệm của họ về quá trình chống chọi bệnh tâm thần.
Trong một bài báo xuất bản năm 2015, tỷ phú Nhậm Chính Phi, người sáng lập gã khổng lồ Huawei tiết lộ ông từng bị trầm cảm và lo lắng nặng. Trương Triều Dương, người sáng lập công ty công nghệ Sohu đã nhiều lần cởi mở nói về trải nghiệm trầm cảm trong quá khứ của mình.
Chính phủ Trung Quốc đã và đang cố gắng giải quyết vấn đề này. Các trường học và đại học hiện nay bắt buộc phải có chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần. Ở các thành phố lớn, các cơ sở chăm sóc cộng đồng đã chỉ định người chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi.
Nhưng một trong những vấn đề cấp bách nhất ở Trung Quốc hiện nay là không có đủ chuyên gia có trình độ. Chỉ có 64.000 bác sĩ tâm lý ở Trung Quốc vào cuối năm 2021, theo phương tiện truyền thông nhà nước China Youth Daily.
"So với tốc độ nhận thức xã hội nhanh chóng, đất nước còn một chặng đường dài để chẩn đoán và điều trị các bệnh về sức khỏe tâm thần", tiến sĩ Miao nhận định.
Nguồn: BBC