Tấm hình gây bão ban đầu được cho là lấy từ trạm vũ trụ của NASA, cho thấy cả nước Úc đang chìm trong biển lửa và khiến cư dân mạng xót xa.
Nước Úc đang trải qua những ngày tháng vô cùng đen tối, nguyên nhân đến từ những vụ cháy rừng ở quy mô lớn và dày đặc chưa từng thấy trong suốt nhiều thập kỷ qua. Mà "đen tối" ở đây thậm chí có thể hiểu theo nghĩa đen, khi bầu trời tại nhiều thành phố cũng phải chuyển màu vì khói và tro bụi từ những vụ cháy rừng thảm họa.
Bầu trời đỏ ngầu tại Mallacoota ngày 31/12 vừa qua.
Còn đây khung cảnh lúc 14h tại Mallacoota ngày 4/1/2020.
Sự kiện này được coi là "đại thảm họa" thực sự với nước Úc. Rất nhiều hình ảnh về vụ cháy đã được chia sẻ, đặc biệt là một tấm hình được cho là chụp từ trạm vũ trụ quốc tế ISS khiến cho cả thế giới phải hoảng hốt. Nước Úc xinh đẹp trong tấm hình này giống như đang chìm trong biển lửa khi phần lớn diện tích đất tại Úc theo như tấm hình này đều bốc cháy.
Chỉ có điều, sự thật lại không hoàn toàn giống như bạn nghĩ. Nguồn gốc và cả ý nghĩa thực sự đằng sau nó chứng minh những đốm lửa trong bức ảnh chỉ là hư cấu.
Theo Snope - website chuyên kiểm chứng và "bóc phốt" những tấm hình từ các sự kiện hot trên thế giới thì tấm hình này thực chất không xuất phát từ trạm ISS và thực sự nó cũng không phải ảnh chụp mà chỉ là một tấm hình dựng 3D bởi Anthony Hearsey - một chuyên gia thiết kế và sáng tạo hình ảnh.
Hearsey quả thực đã tạo ra nó dựa trên dữ liệu về cháy rừng Úc từ vệ tinh của NASA gửi về. Tuy nhiên, hình ảnh không thể hiện những đám cháy đang diễn ra tại Úc, mà là tổng số đám cháy đã xảy ra trong suốt 1 tháng qua. Nghĩa là có vụ đang xảy ra và có đám thì đã bị dập tắt.
Bản thân Anthony Hearsey cũng phải chính thức lên tiếng đính chính về những hình ảnh này: "Đây là ảnh dựng 3D, không phải ảnh chụp, về các vụ cháy tại Australia. Nó giống một biểu đồ được thể hiện đẹp hơn thôi. Tấm hình được tạo ra từ dữ liệu của vệ tinh NASA trong giai đoạn 5/12/2019 - 5/1/2020. Các vùng đỏ là những vùng từng bị ảnh hưởng bởi vụ cháy”.
Theo Helino.vn
* Nội dung liên quan: