Đã bao nhiêu lần bạn, người thân, bạn bè từng nghe đến những "bí quyết lại dáng sau sinh" hay thấy những người mẹ mới sinh vật lộn với nỗi khổ bằng mọi giá phải giảm được một số cân nặng nhất định trong vòng một số tháng nhất định sau sinh, để được khen xuýt xoa?
Về dáng sau sinh - câu chuyện muôn thuở đã trở thành chủ đề được bàn tán bởi tất cả những người mẹ mới sinh, phụ nữ mang thai hay kể cả các huấn luyện viên thể hình. Bản chất việc này không có gì xấu nếu nó hướng đến sức khỏe và là lựa chọn tự nguyện của người mẹ. Nhưng có bao giờ nó chưa mang tính độc hại áp đặt của thứ văn hóa bắt mọi người phải theo những quy chuẩn vẻ đẹp nhất định hay chưa?
Ngay sau khi Sharon Oakley sinh con vào năm 2018, những người thân quen đã nhanh chóng chúc mừng khi cô xuất hiện. "Ồ, trông em tuyệt quá - em lấy lại dáng rồi này!", đó là những lời cô thường xuyên nghe được vài tháng sau khi mới sinh con.
Bề ngoài trông có vẻ như Oakley đã thực sự "lại dáng". Nhưng thực tế thì khác. Mặc dù cô đã giảm được phần lớn số cân nặng mà mình đã tăng khi mang thai, nhưng về mặt thể chất, cô vẫn đang phải khổ sở. Là một người đam mê chạy bộ, Oakley, người gốc Canada hiện sống ở Yorkshire, Vương quốc Anh, thích chạy bộ cùng con trai trong xe đẩy, một thói quen mà cô thực hiện sau khi sinh con được 6 tháng.
Nhưng cô đối diện chứng són tiểu trong suốt quãng đường. Việc này thậm chí diễn ra cả trong văn phòng khi cô quay lại làm việc.
Sau một hành trình chẩn đoán phức tạp bao gồm 6 tháng chờ đợi để được giới thiệu bác sĩ vật lý trị liệu, Oakley được chẩn đoán bị sa bàng quang, sa trực tràng và sa tử cung – trong đó các cơ quan vùng chậu không được giữ đúng vị trí do sàn chậu yếu, trượt ra khỏi vị trí bình thường...
4 năm sau, tình trạng của cô đã được cải thiện. Nhưng cô vẫn thỉnh thoảng bị són tiểu. Cô phải mang theo quần lót dự phòng ở khắp mọi nơi, thấy lo lắng mỗi khi chạy. Trong suốt một thời gian, cô nghĩ mình có thể phải nghỉ việc.
Oakley nói: "Một phần rất kỳ lạ trong nền văn hóa của chúng ta là khi chúng ta đánh giá thời kỳ sau sinh của một người phụ nữ dựa trên vẻ ngoài của họ, hơn là cảm giác của họ. Trông tôi ổn - nhưng tôi có những vết thương khi sinh mà tôi vẫn phải đối mặt hàng ngày".
Những câu chuyện như của Oakley phổ biến hơn nhiều so với những gì chúng được nói đến một cách công khai. Mặc dù không phải lúc nào cũng có triệu chứng, nhưng riêng sa cơ quan vùng chậu ảnh hưởng đến 90% phụ nữ sau sinh. Khoảng một phần ba số người mắc chứng tiểu không tự chủ, cũng có thể do sàn chậu quá chật, mô sẹo hoặc tổn thương dây thần kinh.
Chứng diastasis recti, khi các cơ bụng tách ra để nhường chỗ cho phần bụng lớn lên khi mang thai vẫn chưa liền lại với nhau - có thể khiến bụng trông như phình ra và gây đau, táo bón và són tiểu, cũng như cản trở việc đi lại hoặc nâng vật nặng khó khăn - ảnh hưởng đến 60% người mẹ.
Và ngay cả khi không có chấn thương cụ thể khi mang thai hoặc khi sinh, những thay đổi sinh lý mạnh mẽ xảy ra trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sau khi sinh - từ các hoóc-môn ra lệnh cho cơ thể giữ chất béo dự trữ, áp lực lên sàn chậu, đến các chất dinh dưỡng bị hút ra khỏi chế độ ăn của người mẹ để nuôi thai nhi hoặc trẻ bú mẹ - có nghĩa là họ cần thời gian để phục hồi và chữa lành.
Nhưng nhiều phụ nữ nhận thấy rằng, sau khi em bé chào đời, thông điệp mà họ nhận được không phải là nên nghỉ ngơi và hồi phục mà là 'phục hồi' lại cơ thể và hành vi mà họ đã có trước khi mang thai.
Trên các phương tiện truyền thông, cơ thể của những người nổi tiếng sau khi sinh được mổ xẻ dựa trên việc họ có giảm cân hay không, mà không biết hoặc có rất ít thông tin về những tình trạng bệnh lý khác mà người đó có thể đang phải đối mặt.
Có rất nhiều chương trình ăn kiêng và thể dục dành cho các bà mẹ, tương đối ít trong số đó do các chuyên gia về sức khỏe sau sinh hướng dẫn. Bạn bè, gia đình và thậm chí cả đồng nghiệp thường đưa ra nhận xét về ngoại hình của người mẹ. Có một kiểu kỳ thị xã hội ngầm nếu bạn không "lại dáng" nhanh như tiêu chuẩn.
Đối với một số bà mẹ, áp lực giảm cân nhanh chóng, kết hợp với sự hỗ trợ và chăm sóc y tế không đầy đủ sau khi sinh, có thể là một hỗn hợp độc hại, thậm chí nguy hiểm - có thể khiến vết thương khi sinh trở nên tồi tệ hơn và khó lành hơn. Nó cũng có thể gây tổn hại cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất ở một trong những giai đoạn dễ bị tổn thương nhất, thiếu ngủ, hỗn loạn về cảm xúc nhất của cuộc đời.
Nền văn hóa độc hại vô tình hay cố ý khuyến khích tư duy "lại dáng"
Trở thành mẹ không chỉ có ý nghĩa là bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời. Đó là một sự thay đổi về cuộc sống, tâm lý, thậm chí cả bản sắc của một người.
Đối với nhiều phụ nữ, đây có thể là lần đầu tiên họ hoàn toàn chịu trách nhiệm cho một con người nhỏ bé, dễ bị tổn thương - một người gần như luôn cần đến họ. Đây cũng có thể là lần đầu tiên họ không làm việc hoặc phụ thuộc tài chính vào bạn đời.
Đặc biệt ở các quốc gia không có chính sách hỗ trợ chăm sóc con cái hoặc nghỉ phép đầy đủ, họ có thể phải đối mặt với căng thẳng tài chính. Và khi họ quay trở lại với sự nghiệp của mình, các bà mẹ thường cảm thấy áp lực phải tạo ra một hình ảnh rằng việc làm mẹ không thay đổi họ - thường là để tránh việc tiền lương và triển vọng sự nghiệp bị ảnh hưởng.
Tất nhiên, tất cả những điều này đang xảy ra vào thời điểm mà nhiều phụ nữ kiệt sức hơn bao giờ hết. Họ đang phục hồi thể chất sau khi mang thai và sinh nở. Và không ít đang trải qua những thách thức về sức khỏe tâm thần như trầm cảm sau sinh hoặc PTSD liên quan đến sinh nở.
Tuy nhiên, ngoài tất cả những yếu tố gây căng thẳng có mặt khắp nơi này, các bà mẹ đang phải đối mặt với áp lực phải "lại dáng".
Nhiều nền văn hóa gây áp lực to lớn lên phụ nữ sau sinh để tạo cái vẻ như việc mang thai, sinh nở và làm mẹ chưa bao giờ xảy ra - và họ phải làm thế cho nhanh vào.
Tiến sĩ Jennifer Lincoln, bác sĩ sản phụ khoa và chuyên gia về tiết sữa ở Portland, Oregon, Hoa Kỳ, cho biết: "Nhiều người mới làm cha mẹ cảm thấy rằng họ phải làm rất nhiều việc để chứng minh rằng việc mang thai không hề thay đổi họ hoặc cơ thể của họ". Cô nói, đây là một "thực tế không thể đạt được đối với nhiều người", nhưng phụ nữ vẫn tiếp nhận áp lực này - và đôi khi đẩy cơ thể của họ đến bờ vực theo những cách nguy hiểm.
Lincoln cho biết: "Tôi đã chứng kiến những người bắt đầu tập thể dục chỉ một tuần sau khi sinh, sau đó gặp vấn đề về cổ tử cung và sa tử cung vì họ tập luyện quá sức cũng như bị chảy máu nhiều hơn. Tôi cũng gặp những bậc cha mẹ sinh con, đang cho con bú nhưng họ cắt giảm lượng calo quá mạnh và nguồn sữa của họ bị cạn kiệt".
Ngay cả khi mang thai và sinh nở khỏe mạnh, không biến chứng, cơ thể cũng thay đổi rất nhiều. Nhiều trong số những thay đổi sinh lý đó có nghĩa là việc quay trở lại tập thể dục mạnh mẽ hoặc cắt giảm năng lượng nạp vào cơ thể cần phải được thực hiện một cách thận trọng. Chưa kể còn các rào cản thể chất và tâm lý khiến việc lại dáng là một mục tiêu bất khả thi.
Thứ đầu tiên không thể tránh được là tăng cân. Jenna Perkins, y tá chăm sóc sức khỏe phụ nữ và chuyên gia về rối loạn sàn chậu tại Thủ đô Washington ở Mỹ, cho biết: "Khi bạn mang thai, cơ thể bạn sẽ dư thừa tất cả các loại hormone, khiến chúng ta phải giữ cân nặng vì chúng ta cần nó. Chúng ta cần chất béo dự trữ quanh bụng để bảo vệ tử cung nhạy cảm của mình và em bé đang phát triển bên trong".
Trong khi đó, các cơ ở cả bụng và sàn chậu đều căng mỏng như tờ giấy. Mang theo thai nhi và sự căng thẳng khi sinh thường làm tăng trọng lượng và áp lực lên sàn chậu. Ngay cả xương cũng di chuyển: khi mang thai, xương chậu nghiêng và rộng hơn trung bình khoảng 2,5cm.
Nhiều phụ nữ cũng trải qua các thủ thuật và chấn thương phổ biến có thể do mang thai và chuyển dạ - không chỉ sa cơ quan vùng chậu và sa trực tràng, mà còn chữa lành vết thương do sinh mổ hoặc rách tầng sinh môn chẳng hạn. Điều này có thể mất nhiều thời gian hơn để hồi phục so với những gì nhiều phụ nữ được khuyên; 6 tuần sau khi sinh mổ, hầu hết các vết sẹo mổ lấy thai vẫn chưa lành hoàn toàn và lớp mạc bụng, nơi giữ các cơ quan và cơ ở đúng vị trí, mới lấy lại được dưới 60% khả năng ban đầu.
Theo các chuyên gia, tất cả những thay đổi này và kết quả có thể xảy ra có nghĩa là việc cho rằng phụ nữ có thể trở lại cơ thể trước khi mang thai về mặt sinh lý trong vòng vài tuần sau khi sinh là không chính xác, tệ hơn là rủi ro.
Ở Indiana, Hoa Kỳ, Shelby Alley cho biết cô bắt đầu chịu áp lực của văn hóa lại dáng thậm chí trước cả khi sinh con vào năm 2022. "Sếp của tôi vào thời điểm đó, ngay cả trước khi tôi sinh con, đã nói: 'Em có háo hức được lại dáng không?' Và đó là một suy nghĩ kỳ lạ đối với tôi, bởi vì tôi thực sự đang nuôi lớn một con người. Cơ thể của tôi là của chính tôi hơn bao giờ hết. Nhưng đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy áp lực đó", cô nói.
Cô vô thức tiếp thu thông điệp - và kết quả là thay đổi cách cô đối xử với cơ thể của mình. "Khi con trai tôi ở đây, cảm giác như, 'Được rồi, mình không cần phải tiếp tục cho cơ thể mình ăn vì mình không nuôi lớn ai bên trong người cả. Mình có thể bắt đầu hạn chế chế độ ăn uống'".
Nhưng ngay khi bắt đầu cắt giảm lượng calo, điều đầu tiên cô nhận thấy là nguồn cung cấp sữa cho con bú của mình giảm đi. Cô nói: "Tôi đã đi từ tình trạng thừa cung - tôi có thể bơm khoảng 8 ounce (khoảng 200ml) - đến mức hầu như không đủ cho con trai tôi. Nó bú hàng giờ; nó có vẻ không no". Vốn đã thiếu ngủ trong cuộc sống với đứa con mới chào đời, cô càng cảm thấy kiệt sức hơn. Tâm trạng cô sa sút.
Alley không còn hạn chế ăn uống nhưng đôi lúc vẫn cảm thấy "tội lỗi" vì chưa giảm được hết số cân nặng khi mang thai. Cô nói: "Thật khó để dung hòa giữa những gì thế giới muốn bạn trở thành và những gì tự nhiên muốn bạn trở thành".
"Chị giảm hết cân rồi, em cũng nên thế đi!"
Việc nhấn mạnh vào giảm cân sau sinh bắt nguồn từ một số yếu tố. Sophie Brock, một nhà xã hội học nghiên cứu về quan hệ người mẹ ở Sydney, Úc cho biết về cốt lõi, văn hóa lại dáng bắt nguồn từ ý tưởng của chúng ta về việc làm mẹ hiện đại nói chung.
Cô nói: "Các bà mẹ phải tuân theo các quy tắc và kỳ vọng xã hội nhất định theo những cách mà những người không phải là mẹ không phải chịu. Áp lực văn hóa 'lại dáng' là một ví dụ về điều đó. Người ta kỳ vọng các bà mẹ có thể xóa bỏ mọi bằng chứng vật lý về việc đã từng có con, đồng thời dành 'tất cả' cho con cái - đồng thời cố gắng đáp ứng những áp lực và yêu cầu cạnh tranh của việc trở thành một người mẹ/người vợ/người lao động hoàn hảo". Tuy nhiên, điều đó là không thể - và không bao giờ đủ.
Văn hóa tôn sùng người nổi tiếng vừa là một triệu chứng vừa là một nguyên nhân. Một số người nổi tiếng, như người mẫu Emily Ratajkowski, dường như có cơ bụng phẳng lỳ chỉ vài ngày sau khi sinh con.
Việc người nổi tiếng khoe thành tích lại dáng đang khuyến khích một nền văn hóa độc hại.
Các ngôi sao nổi tiếng khác đã chia sẻ công khai chi tiết về quá trình giảm cân của họ, bao gồm cả chế độ ăn kiêng và kế hoạch tập luyện. Và khi những người nổi tiếng có thể chưa ngay lập tức lấy lại vóc dáng như trước khi sinh con, các phương tiện truyền thông thường coi họ là khác biệt hoặc đặc biệt. Sự tập trung liên tục đó có nghĩa là cơ thể sau khi sinh sẽ tồn tại như một chủ đề của cuộc trò chuyện - đôi khi trở thành tâm điểm của dư luận, bất kể bối cảnh mà những bài báo này được trình bày.
Nói tóm lại, có sự tập trung dù cố tình hay vô tình vào cơ thể người phụ nữ sau sinh, dù có vì mục đích tốt hay không thì điều đó cũng tạo áp lực vô hình lên họ.
Tồi tệ hơn là người ta còn chỉ trích những người không giảm được cân nặng sau sinh - như khi Rihanna xuất hiện với chiếc bụng sau sinh 2 tháng. Một "trò hề" khác là khi fan khen cô mặc khéo để "giấu dáng" sau sinh. Tại sao lại phải giấu dáng?
Người ta phải tự hỏi nền văn hóa kiểu gì khuyến khích và khen thưởng việc người phụ nữ lại dáng thật mau một cách nông cạn.
Sự thật đáng buồn này đến từ tiêu chuẩn lạc hậu tới mức nực cười về việc phụ nữ phải có da trắng, dáng thon, bụng phẳng, trẻ trung, mịn màng tồn tại ở một loạt nền văn hóa, bất chấp những tổn thương bên trong về thể chất và tâm lý của họ.
Đó là chưa kể chiêu trò marketing dựa trên nỗi sợ của các sản phẩm nịt bụng, thực phẩm giảm cân... và cả nền công nghiệp thẩm mỹ độc hại đang ngầm săn mồi nhắm vào tâm lý bất an của người mẹ sau sinh.
Margo Kwiatkowski, một nhà vật lý trị liệu chỉnh hình và sàn chậu ở Ventura, California, chỉ ra cách sử dụng phổ biến của đai nịt bụng - "Sẽ không thu nhỏ bụng của bạn" cô nói. Nhưng cô thậm chí còn ghét chúng bởi cách chúng được tiếp thị công khai một cách bình thường và hiển nhiên cho các bà mẹ sau sinh.
Nhà xã hội học Brock cho biết, nhiều cá nhân có thể nhận thức cao hơn và không tin vào nền văn hóa lại dáng, nhưng thật khó để hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Cô so sánh thông điệp phổ biến xung quanh chúng ta với việc sống trong một "bể cá". Cô nói: "Chúng ta không thể 'nhảy ra ngoài' hoặc khiến bản thân không bị ảnh hưởng bởi nó. Văn hóa thể hiện thông qua gia đình, các mối quan hệ, sự nghiệp, thể chế của chúng ta, phương tiện truyền thông mà chúng ta tiếp xúc, v.v. Vì vậy, một số người sẽ có thể xây dựng/phát triển/có nhiều 'miễn nhiễm' với thông điệp này hơn những người khác".
Tức là bạn có thể nhận thức được và từ chối nó, nhưng trong vô thức, kiểu văn hóa độc hại này sẽ vẫn tác động ít nhiều.
Câu chuyện của Lucy Kingsford ở Cambridge, Vương quốc Anh chứng minh cho điều này.
Khi con trai cô chào đời vào tháng 1 năm 2022, Kingsford đã tiến hành phẫu thuật cắt tầng sinh môn. Các mũi khâu bị nhiễm trùng. Cơn đau dữ dội đến mức cô không thể ngồi xuống nếu không có vòng bơm hơi. "Tôi thậm chí không thể nằm xuống đúng cách. Nếu tôi đi bộ hơn 5 phút, vết khâu sẽ bị bung ra. Tôi đã dùng 3 đợt kháng sinh khác nhau và phải ngừng cho con bú vì chúng khiến em bé bị bệnh". Chưa nói đến việc trở lại cơ thể như trước khi sinh, cô ấy đã phải mất 4 tháng để bắt đầu đi lại.
Bất chấp tất cả những gì cô đã trải qua, cô cũng cảm thấy bị cản trở bởi áp lực văn hóa phải lại dáng - một thực tế khiến cô ấy cảm thấy mình thật thất bại, giờ đây cô phải mặc 8 cỡ váy lớn hơn so với trước khi mang thai.
"Những ngày mới sinh đã đủ khó khăn rồi. Và sau đó, bạn thấy giới truyền thông tung ra hết bài báo này đến bài báo khác, nói rằng, 'Ồ, những người nổi tiếng này trông thật tuyệt chỉ sau vài tuần sau khi sinh con'. Nhưng những lời tồi tệ nhất là từ những người 'bình thường', không phải người nổi tiếng, nói rằng 'Chị giảm hết cân rồi, em cũng nên thế đi!' Tôi bị trầm cảm sau sinh khá nặng và tôi không nghĩ việc xem những bài viết này trên Facebook đã giúp ích được gì".
Trong trường hợp của Alley và những người khác, văn hóa lại dáng thường được phản ánh lại với họ ngay cả bởi những người thân trong gia đình, những người đã liên tục nhấn mạnh đến cân nặng của Alley trong suốt thai kỳ. "Không ai nên cảm thấy mình phải lại dáng nhanh như vậy sau khi sinh con. Tôi biết rằng tôi đã cố gắng nhịn ăn quá nhiều. Tôi nghĩ rằng nếu tôi có một cộng đồng hỗ trợ nhiều hơn, hoặc một cộng đồng nói chung, những người nói với tôi rằng 'Này, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi' – thì tôi nghĩ mình đã có thể trở thành một người mẹ tốt hơn một cách sớm hơn".
"Chồng tôi phải bỏ cái cân đi"
Có một thực tế là đối với nhiều phụ nữ, cho dù họ tập thể dục hay ăn kiêng bao nhiêu, cơ thể họ sẽ không trở lại như trước khi mang thai.
Điều này là bình thường, Veitch nói. "Tôi thường nói về hậu sản giống như tuổi dậy thì. Chúng ta không trải qua tuổi dậy thì và mong muốn cơ thể của mình trông giống như khi chúng ta 9 hoặc 10 tuổi. Chúng ta biết rằng cơ thể mình đã thay đổi vĩnh viễn. Khi mang thai hoặc sau khi sinh, chúng ta không thay đổi nhiều như dậy thì, nhưng có một sự thay đổi lớn. Và hầu hết phụ nữ sẽ không quay lại suy xét chính xác họ đã làm như thế nào".
Đó là 9 tháng lớn lên của một em bé, khi mà mọi người nói với bạn rằng bạn thật rực rỡ và đáng yêu biết bao. Và sau đó, họ tỏ ra khó chịu nếu bạn không một cách thần kỳ sinh con ra và "bụp" một phát biến thành con người của 9 tháng trước.
Nhưng trong một nền văn hóa coi trọng việc lại dáng và làm cho nó có vẻ như mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận chủ đề đó một cách khỏe mạnh, thì việc không có được vóc dáng thon thả và một cơ thể có khả năng làm mọi thứ như trước khi mang thai tạo ra bầu không khí độc hại và áp lực.
Ngay cả những phụ nữ ưu tiên phục hồi và nghĩ rằng về tổng thể, điều đó là tích cực cũng có cảm xúc lẫn lộn. Trước khi mang thai, Hannah Lucy Galliers ở Gloucestershire, Vương quốc Anh, luôn coi việc tập thể dục là "ưu tiên hàng đầu". Nhưng giữa các đợt phong tỏa do Covid-19, đóng cửa phòng tập thể dục và mang thai, cô ấy nói: "Tôi không nhận ra mình là ai nữa - tôi không nhận ra khuôn mặt của mình trong gương. Sau khi hồi phục sau ca sinh mổ, cô ngay lập tức trở lại phòng tập thể dục.
Tôi luôn tập thể dục để điều chỉnh sức khỏe tinh thần của mình và điều đó thực sự quan trọng đối với tôi để lấy lại điều đó", cô nói. Tuy nhiên, cũng theo cô, điều đó một phần đến từ áp lực muốn gầy đi
"Khi tôi bắt đầu khó chịu vì cân không giảm hoặc tăng nhẹ, chồng tôi thực sự phải bỏ cái cân đi vì không muốn tôi bệnh nặng thêm", cô nói. "Nó có thể trở nên rất ám ảnh, bởi vì chúng ta đang sống trong một xã hội mà giá trị của phụ nữ được xác định bằng con số trên bàn cân".
Câu hỏi là, chúng ta phải làm gì với một kiểu văn hóa như thế này?