Nhà văn Lê Phương qua đời lúc 20 giờ 44 tối 14-5, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông khiến nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, người bạn đời của ông, thốt lên hai từ đau đớn: "Anh ơi".
Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, những người yêu mến hai vợ chồng biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến bà.
Nhà văn Lê Phương tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại Đông Anh (Hà Nội). Ông tham gia quân đội từ năm 16 tuổi, từng gia nhập đơn vị khảo sát chuẩn bị chiến trường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 23 tuổi, ông hoạt động trong vai trò một chiến sĩ đặc tình thuộc Cục Bảo vệ chính trị Bộ Quốc phòng.
Năm 1960, ông trở thành nhà báo rồi nhà văn chuyên viết về công nhân. "Bất khuất" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về vùng mỏ của Lê Phương được Nhà xuất bản Lao Động in lần đầu năm 1963.
Từ năm 1963-1978, Lê Phương đã cho ra đời khoảng 7 cuốn tiểu thuyết với đủ các lĩnh vực liên quan đến kiến thức chuyên môn sâu như: "Pháo đài 44" (về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965), "Thung lũng Cô Tan" (địa chất, 1973), "Bạch Đàn" (lâm nghiệp, 1975), "Ngã Ba thời gian" (thuỷ lợi, 1978), "Bông mai mùa lạnh", "Vết xích đường mòn"…
Năm 1977, ông Lê Phương bén duyên với điện ảnh và trở thành tác giả của nhiều kịch bản phim gây ấn tượng mạnh với khán giả. Trước khi cùng Nguyễn Thanh viết 4 tập "Biệt động Sài Gòn", ông viết nhiều kịch bản điện ảnh như "Nơi gặp gỡ của tình yêu" "Cơn lốc biển" (chuyển thể từ tiểu thuyết "Bất khuất"), "Câu lạc bộ không tên"…
Khi phim truyền hình lên ngôi, nhà biên kịch Lê Phương chuyển hướng viết kịch bản phim truyền hình như "Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ", "Sống mãi với Thủ đô", "Con nhện xanh", "Ngã ba thời gian".