Để con biết chi tiêu tiết kiệm, nhiều bậc phụ huynh lựa chọn cách tâm sự với con về những áp lực cuộc sống, về cách mình vất vả kiếm tiền ra sao. Thậm chí, họ còn tỉ tê việc "nhà mình nghèo lắm", "nhà mình không có tiền" với con. Cha mẹ hẳn cho rằng việc làm ấy chẳng ảnh hưởng gì tới con. Nhưng về lâu về dài, hành vi đó của cha mẹ lại gây nên những ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí mang tính "hủy diệt" con mình.
Từ nhỏ cha mẹ thường xuyên dạy bảo con theo hướng đó khiến suy nghĩ "nghèo khổ" ăn sâu vào tiềm thức của con. Bé nhìn những đồ vật mình yêu thích mà mong muốn được sở hữu nhưng lại không có được, dần dần tâm lý trở nên buồn bã và bất an.
Lâu dần bé ắt cho rằng mọi thứ tốt đẹp, quý giá mình không xứng đáng có được, chỉ là mơ ước xa vời mà thôi. Bé trở nên tự ti, cảm thấy bản thân vì không đủ giỏi giang, ưu tú nên mới không có được. Sự tự ti cắm rễ trong lòng con, càng lớn càng trở nên trầm trọng. Trong nhiều trường hợp, trẻ có thể bị u uất về mặt tâm lý, mắc bệnh trầm cảm.
Bên cạnh đó, chia sẻ quá đà về chuyện tiền bạc và chia sẻ theo cách tiêu cực có thể khiến con trẻ lo lắng, có suy nghĩ già dặn hơn so với độ tuổi. Con luôn nghĩ đến việc bố mẹ không có tiền và chẳng dám đòi hỏi gì, sống khép mình hơn. Trong khi đó, gánh nặng tài chính gia đình chưa bao giờ là vấn đề mà con nhỏ nên chịu.
Suy nghĩ nhà nghèo có thể khiến con cảm thấy tự ti, thua thiệt với bạn bè. Con sẽ nhút nhát, không dám chủ động kết bạn, không dám thể hiện bản thân trong một tập thể mới. Thậm chí nhiều đứa trẻ còn cảm thấy thấp kém khi so sánh với những người khác. Một khi đã bị ám ảnh tâm lý, con sẽ khó mà thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực.
Nếu nhà giàu mà phụ huynh giả nghèo và cung cấp thông tin để con nhận diện thì nên tính đến mâu thuẫn trong biểu hiện, có khi sẽ có tác dụng ngược trong giáo dục.
Ngoài ra, cha mẹ thường xuyên "than nghèo kể khổ" với con, mỗi ngày sự thiếu thốn sẽ bị khắc họa và phóng đại trong lòng đứa trẻ. Từ đó xuất hiện tình trạng trẻ vin vào cớ "hoàn cảnh khó khăn" để trốn tránh những việc làm chưa tốt của mình.
Ví dụ như thành tích học tập không tốt, trẻ sẽ thoái thác: "Nhà nghèo không được đi học thêm nhiều". Hoặc các môn năng khiếu kết quả kém, trẻ lập tức biện bạch: "Bố mẹ nghèo không có gene nghệ thuật"...
Tình hình như trên kéo dài sẽ chỉ khiến trẻ trở thành một đứa trẻ thiếu trách nhiệm, không dám đối mặt với những thất bại và sửa chữa sai lầm của mình.
Chính vì những điều này, bố mẹ đừng bao giờ nói những câu "bố mẹ không có tiền" hay "nhà mình rất nghèo" với con. Thay vào đó, bố mẹ cần dạy con cách chi tiêu hợp lý, có kế hoạch để giúp con học được tính tiết kiệm và biết phấn đấu.