Giả danh cơ quan, tổ chức để lừa đảo là thủ đoạn đang được nhiều đối tượng xấu sử dụng. Mới đây, trong quá trình làm việc, cảnh sát Thượng Hải (Trung Quốc) đã phát hiện ra một hình thức lừa đảo mới có liên quan đến hành vi giả danh các cơ quan chính quyền của nước này.
Chiều ngày 17/5/2024, Cục cảnh sát thành phố Mẫn Hàng nhận được cuộc gọi từ một nhân viên ngân hàng. Người ngày cho rằng một vị khách sử dụng dịch vụ của ngân hàng đang có dấu hiệu bị lừa đảo. Ngay sau đó, cảnh sát đã có mặt tại ngân hàng để tiến hành điều tra, làm rõ sự việc.
Theo đó, nhân viên ngân hàng này đã phát hiện ra những điểm đáng ngờ trong quá trình giao dịch tài khoản ngân hàng của bà Vương, 75 tuổi. Được biết, bà Vương đã mua 1,2kg vàng với giá 680.000 NDT (khoảng 2 tỷ đồng) từ tài khoản trong phần mua sắm trực tuyến trên ứng dụng của ngân hàng, sau đó gửi số vàng này qua đường bưu điện đến một địa chỉ tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Vì thấy số tiền giao dịch rất lớn và thông tin giao nhận hàng có nhiều điểm bất thường, nhân viên này đã liên hệ với bà Vương vào sáng ngày 17/5 để xác minh.
Nhận cuộc gọi từ giao dịch viên, bà Vương nói không biết gì về giao dịch mua vàng này. Ngay sau khi cúp máy, bà gọi lại cho ngân hàng và nói ''Tôi đã tự mua vàng''. Sau đó, phía ngân hàng mời bà Vương đến để xác minh trực tiếp. Trong lúc đó, nhân viên giao dịch cũng liên hệ với cảnh sát để kịp thời điều tra, làm rõ.
Trước những câu hỏi ''ai là người nhận vàng?'', ''ai đã mua vàng?'' của cảnh sát, bà Vương tỏ ra lo lắng và e dè. Dựa vào thái độ của bà lão 75 tuổi, cảnh sát nhận định có thể bà đang liên quan đến một vụ lừa đảo viễn thông. Phía cảnh sát liền yêu cầu ngân hàng đình chỉ hoạt động chuyển phát, đồng thời thông báo cho người nhà của bà Vương đến phòng cảnh sát để xác minh thêm.
Sau một hồi trao đổi kỹ lưỡng, cảnh sát biết được bà Vương gần đây đã mua một chiếc điện thoại di động mới. Đáng nói, trong điện thoại chỉ cài đặt ứng dụng trò chuyện WeChat và ứng dụng ngân hàng. Ngoài ra, những cuộc gọi video gần đây có tổng thời gian lên đến gần 300 giờ.
Hóa ra vào giữa tháng 3 năm nay, bà Vương đã nhận được một cuộc gọi facetime từ một người tự xưng là từ cảnh sát tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Người này cho biết bà Vương đã dính líu đến một vụ án hình sự lớn, rồi gửi kèm lệnh truy nã có ảnh của bà. Trước những lời đe dọa của người này, bà Vương sợ hãi đến mức mua ngay một chiếc điện thoại mới theo yêu cầu của đối phương và cài đặt 2 phần mềm là ứng dụng trò chuyện WeChat và ứng dụng ngân hàng.
Sau đó, đối tượng này lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của bà Vương, yêu cầu bà chuyển toàn bộ tài số tiền đang sở hữu vào 1 tài khoản ngân hàng duy nhất. Vì đã chuyển hết tiền vào 1 tài khoản của chính mình nên bà Vương cảm thấy an tâm và không mảy may nghi ngờ. Trong thời gian này, bà cũng cung cấp cho đối tượng kia CMND, thẻ ngân hàng, mã xác minh và các thông tin quan trọng theo như yêu cầu. Do đó, đối tượng đã dễ dàng sử dụng tài khoản ngân hàng của bà Vương để thực hiện các giao dịch mua vàng trực tuyến trong phần mua sắm trực tuyến trên ứng dụng của ngân hàng. Để kiểm soát bà Vương, đối tượng này còn yêu cầu bà phải báo cáo chi tiết tình hình cuộc sống hàng ngày thông qua các cuộc gọi video.
Theo anh Lưu Học Thuyết - Đội trưởng đội chống lừa đảo của Đội điều tra hình sự Chi cục Mẫn Hàng (Trung Quốc), phương thức lừa đảo của đối tượng trong vụ án này rất mới và tinh vi. Thứ nhất, kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chính họ. Điều này sẽ khiến nạn nhân không còn cảnh giác và bớt sự nghi ngờ. Thứ hai, kẻ lừa đảo biết rằng quá trình chuyển tiền mặt có thể xảy ra nhiều sự cố, vì vậy chúng mới chọn phương án mua vàng bằng tài sản của nạn nhân.
Hiện, vụ việc đang được cảnh sát Mẫn Hàng (Trung Quốc) tiếp tục điều tra làm rõ. Cảnh sát nước này nhắc nhở người dân nên cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo kiểu mới và kịp thời nhắc nhở người nhà, đặc biệt là người lớn tuổi để đề phòng. Ngoài ra, các thông tin và giấy tờ quan trọng như: CMND, thẻ ngân hàng, mã xác minh,... không được tùy ý tiết lộ cho người khác.
Theo Toutiao