Hiện tượng này xuất hiện ở hầu hết tất cả mọi người, và thậm chí còn có thuật ngữ chính thức bằng Tiếng Anh - childhood amnesia (mất trí nhớ thời thơ ấu). Khi trưởng thành, chúng ta không thể nhớ được những người đã từng gặp gỡ, những sự kiện đã xảy ra, và thậm chí những nơi chúng ta từng đặt chân đến khi còn nhỏ.
Dưới đây là một số thông tin hữu ích về hiện tượng mất trí nhớ thời thơ ấu mà bạn có thể tham khảo:
Mất trí nhớ thời thơ ấu là gì và nó xảy ra khi nào?
Mất trí nhớ thời thơ ấu diễn tả sự bất lực của những người trưởng thành khi cố gắng nhớ lại các chi tiết của sự kiện, hoặc những sự việc xảy ra với họ trước tuổi 4. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn phát hiện ra rằng trẻ em trước tuổi 7 có khả năng ghi nhớ “hơn 60% các sự kiện xảy ra trong giai đoạn đầu đời”, còn trẻ 8 và 9 tuổi chỉ có ghi nhớ tới 40% trong số đó. Điều này khiến các nhà nghiên cứu rút ra kết luận rằng “Khi chúng ta trải qua càng nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, chúng ta càng khó nhớ lại những sự kiện xảy ra ở khoảng thời gian xa.”
Ký ức của mỗi người có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng giao tiếp của họ
Một trong những luận điểm giải thích tại sao chúng ta không thể nhỡ rõ những ký ức thời thơ ấu là bởi chúng ta không thể giao tiếp bằng lời nói vào thời điểm đó. Khi chúng ta lục lại bộ nhớ ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, chúng ta sử dụng từ vựng và cần ngôn ngữ để mô tả chính xác sự kiện đã xảy ra. Hầu hết trẻ sơ sinh không thể nói chuyện trước 2 tuổi, vì vậy trí nhớ của trẻ sẽ bị rời rạc và ngắt quãng.
Sự phát triển não bộ của chúng ta đóng một vai trò rất lớn.
Đứng dưới góc độ sinh học để giải thích về chứng mất trí nhớ thời thơ ấu: Khi chúng ta lớn lên, bộ não của chúng ta xử lý rất nhiều thông tin, nhiệm vụ khó khăn, vì vậy nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng “khi bộ não bận rộn phát triển rất nhiều tế bào mới, chúng sẽ từ chối lưu trữ các thông tin ngắn hạn”. Ngoài ra, chúng ta thậm chí không thể nhớ được các sự kiện hàng ngày trước 3-4 tuổi, bởi vì khả năng nhớ theo giai đoạn của não bộ vẫn chưa hoạt động. Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ có thể ghi nhớ những ký ức chung chung, còn những thông tin chi tiết hơn thì không thể nhớ được.
Cha mẹ tác động đến cách chúng ta ghi nhớ các sự kiện trong quá khứ
Một nghiên cứu khác cho rằng cha mẹ có thể thay đổi câu chuyện thời thơ ấu của chúng ta. Thông thường, chúng ta dễ nhớ lại kỷ niệm thuở nhỏ hơn nếu chúng thường xuyên được nhắc lại, và khi cha mẹ thường xuyên gợi nhắc về một sự kiện nào đó, thì cũng vô tình gieo vào đầu chúng ta ký ức sống động về mốc thời gian đó. Cũng chính nghiên cứu này cho thấy rằng trẻ thường có ký ức giống với cha về một sự kiện nào đó, và ngược lại với mẹ. Trẻ em có khả năng ghi nhớ rất lâu, vì vậy cha mẹ nên giúp chúng lưu lại những kỷ niệm đẹp và hoàn chỉnh.
Những ký ức chứa nhiều cảm xúc thường khiến chúng ta nhớ lâu hơn
Một nhà tâm lý học trẻ em nói rằng, trẻ em vẫn giữ lại những ký ức chứa đầy cảm xúc, cả tích cực và tiêu cực. Phát hiện này thậm chí còn tạo cơ hội để trẻ nhỏ được phép cung cấp lời khai của nhân chứng trước tòa. Vì vậy, nếu bạn ghi nhớ một kỷ niệm nào đó thời thơ ấu, thì đó có thể là ký ức có ý nghĩa nhất đối với bạn và tác động đến cảm xúc sâu thẳm bên trong bạn.