CNN mới đây có những phân tích đa chiều về những khó khăn khi làm việc từ xa trong bối cảnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Học ở ĐH Harvard có đáng giá 50.000 USD nếu chỉ học trực tuyến? Còn tùy thuộc vào việc bạn hỏi ai.
Twitter cho biết, một số nhân viên của họ mong muốn và hoàn toàn có thể làm việc tại nhà vĩnh viễn. Theo Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg, gần 50% nhân viên của công ty có thể phải làm việc từ xa trong vòng 5 - 10 năm tới. Google tuyên bố cho phép các nhân viên làm việc từ xa đến tháng 7/2021, nhưng đã dừng việc cam kết thay đổi vĩnh viễn.
Tuy nhiên, việc duy trì một lực lượng lao động từ xa trong thời gian dài rất vất vả. Đã có các công ty ra chính sách làm việc tại nhà nhưng cuối cùng phải đưa nhân viên trở lại văn phòng.
Năm 2013, Marissa Mayer - Giám đốc điều hành của Yahoo lúc đó đã chấm dứt phương án làm việc tại nhà của công ty. IBM cũng đã điều lại một số nhân viên của mình vào năm 2017.
Một phần lý do khiến các chính sách làm việc tại nhà không kéo dài là sự thay đổi trong quản lý dự án, thiếu lòng tin của nhân viên hoặc giảm năng suất. Tuy nhiên, việc đó hoàn toàn có thể thay đổi được.
Cố gắng theo cả 2 phương án
Việc quản lý một lực lượng lao động với một số nhân viên trong văn phòng và những nhân viên ở nhà rất khó khăn và có thể gây bất lợi cho những người làm việc từ xa. Nhân viên làm việc tại nhà không có thời gian gặp mặt hàng ngày với sếp, dẫn đến việc bỏ lỡ các nhiệm vụ và cơ hội nghề nghiệp.
Việc vắng mặt cũng khiến đánh mất cơ hội chạm mặt ngẫu nhiên trên hành lang, trò chuyện sau cuộc họp và các tình huống tự phát có thể cung cấp thông tin có giá trị. Tuy nhiên, các chính sách làm việc từ xa không nhất thiết phải rơi vào tình huống được cả hoặc mất hết.
Quyết định nên được đưa ra ở cấp độ nhóm, theo Debbie Lovich - Giám đốc điều hành và đối tác cao cấp tại Tập đoàn Tư vấn Boston. Cần lựa chọn thời gian phù hợp nhất với mọi người, bao gồm một số ngày làm việc tại văn phòng và ở nhà trong các ngày còn lại, theo Debbie. "Việc lấy các chỉ tiêu theo cấp độ nhóm là vô cùng quan trọng.", Debbie nói thêm.
Nếu không thể thống nhất cả nhóm theo cùng một lịch trình, nhân viên từ xa vẫn nên cố gắng có mặt thường xuyên tại văn phòng. "Tốt nhất bạn nên đến văn phòng mỗi tuần một lần nếu bạn làm ở nhà.", Judith Olson - Giáo sư tin học tại Đại học California Irvine cho biết.
Tình huống xấu nhất là khi hầu hết nhân viên đều tới văn phòng và chỉ có một hoặc một vài nhân viên ở xa, theo Peter Cappelli - Giáo sư quản lý tại trường Kinh doanh Wharton. "Khi bạn ra không có ở văn phòng, mọi người quên mất bạn là ai, đồng nghiệp luôn nắm bắt thông tin nhanh hơn bạn. Tôi sẽ không hề muốn một công việc mà khi ai cũng ở văn phòng còn mình phải ở nhà.", ông khẳng định.
Kết quả đánh giá
Việc đo lường năng suất và đánh giá hiệu suất của nhân viên có thể gặp trở ngại khi các công ty chuyển sang làm việc từ xa. Người quản lý cần đặt ra các mục tiêu, ưu tiên và đánh giá rõ ràng để mọi người nắm bắt được kỳ vọng.
Tuy nhiên, không phải mọi nhiệm vụ và vai trò đều theo quy tắc định lượng. Lúc này, lòng tin trở nên cần thiết. "Sự tin tưởng của nhân viên chính là trở ngại lớn nhất. Trong quá khứ, khi các công ty lùi về làm việc từ xa, họ không thực sự có được lòng tin của nhân viên. Họ đã không đào tạo nhân viên về các chiến lược thành công khi làm việc từ xa.", theo Jeanne Meister, thành viên sáng lập tại Future Workplace, một công ty tư vấn và nghiên cứu nguồn nhân lực.
Các chương trình từ xa thành công đòi hỏi những nhà quản lý tin tưởng nhóm của họ sẽ hoàn thành công việc. Tuy vậy, rất khó để phá vỡ thói quen đánh đồng sự hiện diện với năng suất. "Chỉ vì ai đó đang ngồi ở bàn làm việc không có nghĩa là người đó đang làm việc hiệu quả.", Debbie Lovich đánh giá.
Tôi và Chúng ta
Văn hóa công sở đã trở nên có tính hợp tác hơn nhiều, tất cả vì tinh thần đồng đội và nỗ lực gắn kết. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng được diễn giải tốt trên mạng.
"Theo chúng ta hiểu, những công việc đòi hỏi bất kỳ sự hợp tác nào đều sẽ không được thực hiện tốt nhất khi làm việc qua mạng.", Cappelli chia sẻ và nhận thấy rất ít cơ hội mọi người sẽ tiếp tục làm việc ở nhà sau đại dịch.
Nghiên cứu gần đây của Tập đoàn tư vấn Boston chỉ ra rằng, các nhân viên cảm thấy họ làm việc cá nhân hiệu quả hơn theo nhóm trong vài tháng ở nhà vừa qua.
Yếu tố thành công: Người quản lý
Khi nhắc đến sự bền vững của làm việc từ xa, tất cả sẽ nằm ở người quản lý. "Không phải ai cũng giỏi học cách quản lý từ xa.", Beth Kaufman - Giám đốc điều hành tại Boston Consulting Group nhận định.
Công nghệ giúp giao tiếp và cộng tác dễ dàng hơn, nhưng các nhà quản lý phải đẩy mạnh và thiết lập phong cách làm việc từ xa thật gắn kết. "Bạn cần một chuyên viên giám sát - người sẽ giúp bạn giải quyết mọi việc. Bạn phải tìm ra ai cần kết nối với những dự án nào, lựa chọn đúng người trong các báo cáo và làm dịu cảm giác khó chịu khi mọi người cảm thấy bị bỏ rơi hay đơn giản chỉ hiểu nhầm một email. Động lực của con người không thay đổi chỉ vì ở xa.", Cappelli chia sẻ.
Theo CNN