Ngô Thanh Tùng sinh năm 1984, là ông chủ của sân khấu "Đêm nhạc trên thông", tiên phong đưa mô hình biểu diễn giữa thiên nhiên về Hạ Long. Ít ai biết sau ánh hào quang sân khấu là câu chuyện đầy nghị lực và tình yêu thương của anh dành cho gia đình, đặc biệt là con trai lớn mắc chứng tự kỷ.
Năm 2012, Ngô Thanh Tùng kết hôn, hai năm sau, vợ chồng anh chào đón con trai Ngô Nguyên Bách, tên ở nhà là Cà. Bách là cậu bé khỏe mạnh, vui vẻ và có tính tự lập cao nhưng anh sớm nhận thấy sự phát triển ngôn ngữ của con không giống như những đứa trẻ khác. "Năm hai tuổi rưỡi, con chậm nói so với các bạn, thời điểm đó con có những hành vi quấy khóc, không tương tác với bố mẹ. Tôi bắt đầu thấy bất thường nên đưa con đi khám", anh Tùng nhớ lại.
Dù bác sĩ chẩn đoán rằng Bách mắc chứng tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, Thanh Tùng không muốn tin vào điều đó. Anh quyết định đưa con đến các lớp học can thiệp ở Hà Nội và tìm nhiều phương pháp điều trị khác, "ai mách cái gì cũng đều đi chữa cho con". Thanh Tùng nhớ những ngày hè oi ả, chỉ có hai bố con lên Hà Nội chữa trị. Sáng anh đưa con đến lớp học can thiệp sau đó quay về cơ quan làm việc, chiều về hai bố con ngồi nghỉ ngơi bên hàng sấu ven đường, anh ôm con động viên, mong bé tiến bộ, chủ động gọi được tiếng "Bố, Mẹ"... Những lúc con mất kiểm soát, hành động bất thường, khóc lóc ăn vạ, anh chỉ biết ôm thật chặt vào lòng để bé bình tĩnh trở lại.
Năm 2016, biến cố ập đến khi mẹ Thanh Tùng phát hiện ung thư và qua đời sau một thời gian ngắn. Anh cho biết đó là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời, vừa phải vừa lo cho sức khỏe của mẹ, vừa chăm sóc con và duy trì kinh tế gia đình. Vợ anh từng làm ngân hàng nhưng năm 2017 đã nghỉ ở nhà, mở quán cafe nhỏ để chủ động trong việc đưa con đi học can thiệp. Tuy nhiên, sau ba năm chạy chữa, tình trạng của con không tiến triển là bao, chỉ khi nào cần thứ gì lắm, con mới nói 1-2 từ. Thanh Tùng nhớ lại nhiều lần con không tiến bộ, mè nheo ăn vạ, rên rỉ, ném đồ đạc khiến anh mất bình tĩnh. "Thời gian đầu tôi rất nghiêm khắc với con, dần dần thay vì nóng giận quát mắng, dọa đánh phạt con thì hai vợ chồng ôm con vào lòng rồi xoa dịu, trấn an tinh thần, động viên, an ủi bé và giúp con bình tĩnh trở lại", Thanh Tùng nói. Đến bây giờ vợ chồng anh đã tự rèn giũa bản thân để đối mặt với tình huống như vậy.
Năm con chuẩn bị vào lớp một, anh quyết định không cho bé học can thiệp nữa, để con được giao tiếp và học hỏi từ các bạn bình thường. Dù mắc rối loạn ngôn ngữ, con được cô và các bạn nhận xét là hòa đồng, biết nghe lời. Hằng ngày, anh Tùng vẫn đưa đón con đi học, tập luyện thể thao, tập bơi. Đối với những đứa trẻ bình thường mọi việc đều diễn ra suôn sẻ nhưng với con anh, có thể tự ăn, tự tắm giặt, rửa bát, bơi lội, đi xe đạp, cộng trừ đã là một kỳ tích. Càng lớn, bé cũng bộc lộ cảm xúc với bố mẹ nhiều hơn. Một lần, tập xe đạp bị ngã, con lấy tay ba xoa vào chỗ đau khiến Thanh Tùng cảm động.
Hiện tại, ngoài giờ học, anh cho Bách giúp các việc vặt tại quán café. Những công việc như gấp giấy, lau bàn ghế dần trở thành thói quen của con, cậu bé dần quen việc, không còn mếu máo, mất tập trung, chống đối như thời gian đầu. Vợ chồng Thanh Tùng tập dần cho con để sau này tiếp quản quán cafe của gia đình, có thể tự bươn chải, nuôi sống bản thân. Nhờ có bố bên cạnh, Bách tiến bộ rõ rệt, nhiều người mới gặp bé cũng không nghĩ rằng bé đã từng có một thời kỳ nổi loạn, khó bảo.
Anh Tùng dần thay đổi bản thân để đồng hành cùng con tự kỷ. Ảnh: NVCC
Việc nuôi dạy con tự kỷ đã thay đổi quan điểm sống của Ngô Thanh Tùng rất nhiều. Trải qua những biến cố của cuộc sống trong quãng thời gian đồng hành, đi tìm tiếng nói cho con, anh thấy điềm tĩnh hơn, chai sạn, bản lĩnh, có góc nhìn tích cực về cuộc sống. Anh cho biết đồng cảm hơn với những đứa trẻ như con mình, lập quỹ từ thiện để thăm hỏi các bé có hoàn cảnh đặc biệt.
"Sau 10 năm đồng hành cùng con, tôi chỉ mong sao nụ cười luôn bên con, mong con khỏe mạnh, trưởng thành chậm nhưng chắc. Tôi hy vọng những bậc phụ huynh có con tự kỷ có thể cân bằng được cuộc sống và bù đắp tình cảm được cho con vì các bé vốn dĩ sinh ra đã thiệt thòi", anh Tùng gửi gắm.
Bà Nguyễn Thanh Thúy, hội trưởng Hội quán Các bà mẹ nhận xét, một thực tế đáng buồn là rất nhiều bà mẹ đã trở thành đơn thân khi sinh ra con tự kỷ. Việc nuôi dạy con khó khăn khiến nhiều ông bố đầu hàng, chán nản và bỏ đi. Trong khi đó, theo thống kê của bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, số lượng bé trai mắc chứng tự kỷ cao hơn hẳn bé gái, tỷ lệ trẻ nam tự kỷ là 1/70 còn nữ là 1/110. Câu chuyện của Ngô Thanh Tùng không chỉ là nguồn cảm hứng cho những bậc phụ huynh đang đối mặt với khó khăn, còn là minh chứng cho sức mạnh của tình yêu thương và sự kiên trì vượt qua thử thách cùng con.