Tảng băng trôi tên gọi A23a này có diện tích xấp xỉ 4.000 km2, tức lớn gấp đôi TP HCM, và độ dày băng khoảng 400 m.
Tách ra từ thềm băng Filchner-Ronne ở phía Tây Nam Cực vào năm 1986, tảng băng này từng là nền một trạm nghiên cứu của Liên Xô. Sau đó phần lớn tảng băng bị mắc kẹt trên nền biển Weddell.
Hình ảnh tảng băng A23a khổng lồ di chuyển ở biển Nam Cực. Ảnh: Reuters
Một hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy hình ảnh tảng băng nặng gần 1.000 tỉ tấn bắt đầu di chuyển, đang trôi nhanh qua mũi phía Bắc của bán đảo Nam Cực nhờ gió lớn và các dòng hải lưu mạnh.
Nhà nghiên cứu đến từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, ông Oliver Marsh, cho biết rất hiếm gặp một tảng băng kích cỡ như thế này di chuyển và các nhà khoa học sẽ theo dõi sát sao đường đi của nó.
Nếu tốc độ di chuyển tăng, tảng băng A23a có thể nương theo vòng hải lưu Nam Cực tiến đến Nam Băng Dương theo một lộ trình được gọi là "hành lang băng trôi".
Theo các nhà nghiên cứu, có khả năng tảng băng sẽ lại bị kẹt tại nền quần đảo Nam Georgia ở phía Nam Đại Tây Dương. Kịch bản này sẽ ảnh hưởng xấu đến động vật hoang dã ở Nam Cực.
Hàng triệu con hải cẩu, chim cánh cụt và các loài chim biển khác sinh sống trên đảo cũng như kiếm ăn ở các vùng nước xung quanh. Tảng băng có thể cản trở chúng kiếm ăn.
Lộ trình di chuyển của tảng băng từ tháng 8-2022. Ảnh: NASA
"Nó thậm chí có thể di chuyển xa hơn về phía Nam, gần Nam Phi, và làm gián đoạn giao thông trên biển" - ông Marsh cho hay.
Vào năm 2020, từng có một tảng băng trôi khổng lồ khác tên A68 làm dấy lên lo ngại về việc va chạm với đảo Nam Georgia. Tuy nhiên, A68 đã vỡ thành các mảng nhỏ hơn trong quá trình di chuyển.
Đây cũng có thể là kết cục của tảng băng A23a. Song, theo ông Marsh, tảng băng khổng lồ như A23a có khả năng tồn tại được lâu dài ở Nam Băng Dương dù nhiệt độ nước cao hơn thêm nữa.
Vẫn chưa rõ lý do tại sao tảng băng trôi bắt đầu di chuyển.