Tàu vũ trụ Ấn Độ hạ cánh thành công xuống cực Nam Mặt trăng

Tối 23/8 theo giờ Việt Nam, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thực hiện cú đáp mang tính lịch sử xuống bề mặt của Mặt trăng, chính thức trở thành quốc gia thứ 4 đặt chân lên hành tinh này.
Tàu vũ trụ Ấn Độ hạ cánh thành công xuống cực Nam Mặt trăng - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trực tiếp theo dõi và chúc mừng cú hạ cánh thành công của tàu Chandrayaan-3. Ảnh: DW

Sứ mệnh này đã giúp củng cố vị thế của Ấn Độ như một siêu cường toàn cầu trong lĩnh vực không gian. Trước đây, chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô cũ hoàn thành việc hạ cánh mềm trên bề mặt Mặt trăng.

Sứ mệnh Chandrayaan-3 đánh dấu nỗ lực thứ hai của Ấn Độ nhằm hoàn thành cuộc đổ bộ có kiểm soát lên Mặt trăng. Nỗ lực đầu tiên vào năm 2019 đã chứng kiến tàu đổ bộ Chandrayaan-2 đâm xuống bề mặt Mặt trăng do sự cố phần mềm và khó phanh khi hạ cánh.

Trạm đổ bộ Vikram trên tàu vũ trụ Chandrayaan-3 mang theo một robot nhỏ gọi là Pragyan. Bộ đôi chạy bằng năng lượng Mặt Trời này sẽ khám phá bề mặt trong một ngày Mặt Trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), trước khi đêm Mặt Trăng (cũng dài bằng 14 ngày Trái đất) tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin.

Trạm đổ bộ Vikram đã tới gần Mặt Trăng hơn hôm 20/8, sau khi hoàn thành thao tác de-boosting (giảm tốc để điều chỉnh vị trí trên quỹ đạo) cuối cùng. Trạm đổ bộ này nhắm đến điểm hạ cánh gần cực nam Mặt Trăng, nơi có khả năng cao tồn tại băng nước hữu ích cho việc chế tạo nhiên liệu đẩy hoặc duy trì sự sống.

Tàu vũ trụ Ấn Độ hạ cánh thành công xuống cực Nam Mặt trăng - Ảnh 2.

Tàu đổ bộ của sứ mệnh Chandrayaan-3 khi gần tới bề mặt Mặt trăng. Ảnh: Live Telecast

Chỉ ít ngày trước thời điểm Chandrayaan-3 dự kiến hạ cánh, sứ mạng Luna-25 của Nga đã gặp sự cố, khiến tàu đổ bộ này rơi xuống bề mặt Mặt trăng.

Ngày 21/8, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, Yury Borisov, đã tiết lộ nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của sứ mạng Luna-25 là do tàu thăm dò đã không tắt động cơ kịp thời và đi chệch khỏi quỹ đạo dự kiến.

Nguồn: BBC