Theo SciTech Daily, các mẫu vật từ tiểu hành tinh Ryugu được đem về Trái Đất đã tiết lộ những manh mối mới về cách thức các thiên thể bên trong hệ Mặt Trời - bao gồm Trái Đất - thu nhận nước và những khối xây dựng sự sống.
Nhóm khoa học gia "Kochi Team" từ Đại học Mở - Nhật Bản (OU) đã thực hiện nghiên cứu chi tiết về 8 mẫu vật được tàu vũ trụ Hayabusa2 của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đem về từ Ryugu (Ryugu là tên của Cung Điện Rồng trong truyền thuyết Nhật).
Các chuyên gia OU đã phân tích đồng vị oxy trên các mẫu này, thiết lập mối liên kết giữa các vật liệu tiểu hành tinh và hồ sơ thiên thạch hiện có.
Vật liệu tạo nên Ryugu chứa rất nhiều nước và chất hữu cơ, rất giống với các thiên thạch thuộc nhóm chondrite CI (kiểu Ivuna). Đây được coi là nhóm thiên thạch đơn lẻ quan trọng nhất trong các nghiên cứu về sinh học thiên văn vì có thành phần khớp với hệ Mặt Trời. tuy nhiên hầu hết các chondrite CI đã bị ô nhiễm khi rơi xuống Trái Đất.
Nhưng các mẫu từ Ryugu hoàn toàn "tinh khiết" và trở thành các mẫu hệ Mặt Trời nguyên thủy nhất nhân loại từng sở hữu.
Bằng chứng đồng vị hydro và ni-tơ trong mẫu tiểu hành tinh chỉ ra rằng các khoáng chất và chất hữu cơ hạt mịn được tìm thấy bên trong có nguồn gốc từ bên ngoài hệ Mặt Trời.
Từ đó các nhà khoa học có thể kết luận rằng các tiểu hành tinh nguyên thủy giống như một "chiếc nôi biết bay", đem vật liệu hữu cơ từ một thế giới ngoài Trái Đất, ngoài cả hệ Mặt Trời, đến với hệ sao nguyên thủy của chúng ta, từ đó hòa trộn vào nguyên liệu cấu thành nên các hành tinh bao gồm Trái Đất.
Từ các khối xây dựng sự sống nguồn gốc ngoài Trái Đất này, kết hợp với nhiều phản ứng hóa sinh khác liên quan đến các điều kiện trên địa cầu lẫn các điều kiện vũ trụ, muôn loài dần ra đời, bao gồm chúng ta. Như vậy, có thể nói, chúng ta và muôn loài là những sinh vật có "cố hương" sâu xa tận bên ngoài hệ Mặt Trời.
Nguồn: Nature Astronomy