"Xin chào, Tôi là thạc sĩ giao đồ ăn Hà Thành", theo The Paper, đây là cách Hà Thành giới thiệu bản thân để giúp người khác dễ dàng nhận ra mình.
Sau khi được báo chí đưa tin, đông đảo cư dân mạng đã tràn vào tài khoản mạng xã hội của Hà Thành, có người chỉ trích anh không có chí tiến thủ, lãng phí bao năm đèn sách, cũng có người cho rằng anh không sai khi sống bằng sức mình.
Hà Thành cho rằng không phải tất cả những người có học thức cao đều vinh quang, một vài người vì sĩ diện mà thể hiện và người ngoài không cách nào biết được. Hà Thành cũng khẳng định lựa chọn giao đồ ăn của anh ấy không liên quan gì đến học vấn.
Hà Thành tốt nghiệp Thạc sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Anh bắt đầu đăng ký công việc giao đồ ăn ở quận Giang Bắc, Trùng Khánh, vào ngày 4/8. Thống kê hàng tháng trên nền tảng giao hàng cho thấy anh ấy kiếm được hơn 3.300 NDT vào tháng 8 (hơn 11 triệu đồng). Số tiền kiếm được từ đầu tháng 9 đến nay là hơn 2.600 NDT (hơn 8,7 triệu đồng).
Hà Thành cho biết chọn công việc giao đồ ăn là một nỗ lực của sau 4 tháng thất nghiệp. "Tôi không phân biệt đối xử với nghề giao hàng nhưng cũng không cho rằng nó đáng tự hào", Hà Thành phản bác lại những lời chỉ trích, khẳng định anh sẽ không gắn bó với con đường này mà chỉ đang chưa tìm được công việc phù hợp và cần nuôi sống bản thân.
Có những bình luận chất vấn Hà Thành rằng với học thức của mình vì sao anh không tham gia kỳ thi tuyển công chức. Hà Thành thẳng thắn thừa nhận anh hiện không thích hợp để làm những gì cư dân mạng gọi là "công việc tốt", bởi có làm cũng sẽ thiếu không gian thăng tiến do mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau.
Do đó, Hà Thành nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu bản thân có nhiều trải nghiệm thực tế, điều đó có thể sẽ giúp anh đáp ứng được nhiều yêu cầu hơn với những định hướng trong tương lai.
Hà Thành cũng cho biết anh cũng không quá bất ngờ khi nhận được sự quan tâm của dự luận. Bởi trước đó anh đã xem nhiều bài báo tương tự, như tin tức về Mạnh Vĩ, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Chiết Giang, cũng đang làm công việc giao đồ ăn và thu hút sự chú ý từ dư luận.
Liên quan đến sự việc này, Nhật báo Công nhân có bài viết bình luận rằng tất cả nên nhìn vào tính hợp lý của vấn đề. Công việc “ít tốn công nhưng kiếm được nhiều” là điều mà ai cũng khao khát nhưng tìm việc luôn là sự kết hợp của khả năng và may mắn. Trước khi tìm được một công việc phù hợp, thay vì nằm yên than phiền về bản thân thì việc "cưỡi lừa tìm ngựa" làm một công việc có thể nuôi sống bản thân là một lựa chọn thực tế.
Bài viết chỉ ra thêm, trong những năm gần đây, xã hội Trung Quốc xuất hiện hiện tượng 'chậm tìm việc', đó là một số sinh viên sau khi tốt không tìm được việc làm cũng như không học tiếp mà tạm thời ở nhà để từ từ xem xét và hoạch định con đường của mình. Thống kê cho thấy, ngày càng có nhiều người tạm biệt mô hình truyền thống "ra trường đi làm ngay" và trở thành "chậm tìm việc".
"Chúng ta tôn trọng kế hoạch và sự lựa chọn nghề nghiệp của những người khác nhau nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải đối mặt với một thực tế rằng không phải ai cũng có đủ nền tảng để 'chậm tìm việc'. Đối với một số sinh viên tốt nghiệp từ các gia đình nghèo, họ không có được sự bình thản đó", Nhật báo Công nhân nhận định.
Bài viết cho rằng "thạc sĩ giao đồ ăn" về bản chất là một hành vi hợp lý. Mặc dù những công việc như vậy có thể không phải là "mong muốn nhất" hoặc "có lợi nhất" nhưng chúng có thể là "thời điểm nhất". Điều này có lợi và vô hại đối với bản thân, gia đình và xã hội. Hơn nữa, cuộc sống cần phải có trải nghiệm, ở một góc độ nào đó, trải qua nhiều mới có thể tích lũy được một số kinh nghiệm và kiến thức cho cuộc sống lâu dài sau này.