Thanh Hóa: Tình người nơi lũ dữ quét qua

Những tấm lòng hướng về vùng lũ

Có thể nói, tâm điểm của công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn huyện Quan Sơn lúc này vẫn là xã Na Mèo, đặc biệt là tại bản Sa Ná. Dòng người và phương tiện tiếp tục nối dài từ Quốc lộ 217 theo đường mòn để vượt sông Luồng, tiến vào Sa Ná. Trên con đường nhỏ và lầy lội, chị Lương Thị Nhơn cùng chồng là anh Hoàng Văn Tân, đều là người dân tộc Thái, trú tại bản Bo Hiềng (xã Na Mèo), trên tay lỉnh kỉnh đồ đạc hướng về bản Sa Ná, nơi em gái chị Nhơn là Lương Thị Nhân đang sinh sống. Chị Nhơn nói trong nước mắt: “Lũ đến, may mắn là gia đình em tôi không thiệt hại về người nhưng đồ đạc bị cuốn trôi hết. Hôm qua, vợ chồng tôi cũng đến nhưng không thể qua sông được vì sóng vẫn lớn. Hôm nay nước rút, chúng tôi mới mang được cho nhà em một số đồ dùng cần thiết”.

Để có thể vào Sa Ná, các lực lượng phải vượt sông Luồng rộng chừng 30m, nước chảy xiết. Phương tiện vượt sông duy nhất hiện nay là bè mảng được đóng bằng luồng. Bè cố định với dây đính khóa hãm, trượt theo dây cáp căng ngang sông để tránh bị trôi; được cán bộ, chiến sĩ LLVT kéo bằng sức người và mỗi lần chỉ có thể đưa tối đa 4 người vượt sông. Ngay sau khi vượt sông bằng bè mảng, nhận thấy nhu cầu qua sông khá lớn, trong khi phương tiện thô sơ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gọi điện thoại trao đổi với lãnh đạo Quân khu 4, đề nghị sớm triển khai các xuồng VSN 1500 để kết thành bè, phục vụ nhu cầu của các lực lượng qua sông Luồng vào Sa Ná.

Nếu không trực tiếp đến Na Mèo vào thời điểm này, ít ai có thể hình dung ra mức độ tàn phá khủng khiếp của trận lũ dữ vừa qua. Lũ về ập xuống suối Son trước khi đổ ra sông Luồng khiến những thửa rộng hai bên suối giờ đây ngổn ngang đất đá, cây gỗ, cát lấp dày mặt ruộng chừng gần 2m.

Tình người nơi lũ dữ quét qua
Cán bộ, chiến sĩ LLVT giúp nhân dân bản Sa Ná (Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa) di dời nhà, sẵn sàng xây dựng tại nơi ở mới. 

Vậy nhưng càng trong khó khăn, tình người càng bền chặt. Vượt sông Luồng có rất nhiều thành phần, từ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tăng cường về giúp dân đến các công nhân của ngành điện lực Quan Sơn vào bản khắc phục sự cố mất điện và các thanh niên tình nguyện vận chuyển dầu đốt, lương thực, thực phẩm, quần áo và vật dụng sinh hoạt cần thiết. Vừa khênh bao đồ nặng chừng 60kg vượt suối, các anh Phạm Đức Cảnh và Vi Văn Thuần (đều là người dân tộc Thái, trú tại xã Na Mèo) vừa nói với chúng tôi: “Thấy bà con mình thiệt hại thế này, thương lắm. Người góp công, người góp của để giúp bà con. Chúng tôi đến giúp cho đến khi nào bản sạch sẽ, bà con ổn định cuộc sống”.

Tích cực khắc phục hậu quả

Đến Tổ 3, bản Sa Ná càng thấy rõ sự tàn phá khủng khiếp của trận lũ vừa qua. Phía đầu bản, nơi con suối Son đổ xuống, nhà hai bên đường bị xóa sổ. Con đường hiện nay cũng bị vùi lấp bởi những cây gỗ lớn. Hai chiếc xe tải bị lật nghiêng vẫn nằm cạnh suối. Trong một số nhà dân, tiếng khóc thương người thiệt mạng, người mất tích vọng ra. Sa Ná lúc này thực sự vội vã bởi phương tiện xe cơ giới và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương gạt ủi đất, di dời các khung nhà còn trụ lại sau trận lũ.

Trung tá Vũ Văn Thọ, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Quan Sơn trực tiếp chỉ huy lực lượng di dời nhà giúp bà con, cho chúng tôi biết: “Tỉnh giao huyện Quan Sơn tìm một khu vực thích hợp để san ủi mặt bằng và dựng lại nhà cho bà con. Hiện các lực lượng đang tiến hành tháo dỡ nhà để sẵn sàng chuyển đến dựng lại tại vị trí mới. Sau khi tháo nhà, chúng tôi sẽ tiếp tục thu dọn gỗ bị đổ dồn về đây, bởi có thể còn có nạn nhân đang bị vùi lấp dưới gỗ”.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo cũng đang tập trung quân số cao nhất cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ tại Sa Ná, với sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí chỉ huy đơn vị. Tham gia giúp bà con bản Sa Ná còn có dân quân các địa phương, trong đó có anh Phạm Bá Thân, 28 tuổi, người bản Bo Hiềng, xã Na Mèo. Ngay sau khi lũ dữ tràn về, nước sông Luồng dâng cao, chảy xiết nên không thể tiếp cận Sa Ná bằng đường cũ, Phạm Bá Thân cùng đồng đội đã phải đi từ Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, cắt đồi, băng rừng từ 16 giờ ngày 3-8 đến 21 giờ cùng ngày mới tiếp cận được Sa Ná. Các anh nhanh chóng giúp nhân dân thu dọn, di dời tài sản; vận chuyển người bị thương đi cấp cứu, tìm kiếm người mất tích và hôm nay tham gia di dời nhà cho bà con. Anh Phạm Bá Thân nói: “Năm 1996, lũ về, tuy không thiệt hại về người nhưng căn nhà của gia đình tôi cũng bị cuốn trôi. Bởi vậy, tôi rất đồng cảm và cố gắng làm hết sức để giúp đỡ bà con”.

Đứng trước căn nhà gỗ đang chờ di dời, nét mặt anh Lương Văn Dũng, 41 tuổi, ở bản Sa Ná vẫn chưa hết lo âu. Nhà còn, người còn, nhưng chiếc xe máy của gia đình đã bị lũ cuốn và nhiều đồ nghề phục vụ nghề sửa xe máy của anh cũng bị hư hỏng. Anh bảo rằng thấy yên tâm hơn khi được bộ đội về giúp đỡ, động viên bà con kịp thời.

Trong khi các lực lượng đang khẩn trương di dời nhà trong bản Sa Ná thì dọc suối Son, lực lượng tìm kiếm người mất tích vẫn tích cực làm việc. Tất cả địa điểm có dấu hiệu nghi vấn đều được kiểm tra kỹ. Anh Vi Văn Thắng, 32 tuổi, dân quân xã Mường Mìn (Quan Sơn) cùng tham gia tìm kiếm người mất tích cho biết: "Những hốc đá, nơi thân cây dồn ứ hay các bụi cây ven suối đều được chúng tôi tìm kiếm kỹ".

Bằng sự tích cực của các lực lượng và bà con nhân dân sinh sống dọc hai bên sông Luồng, trong ngày 6-8, thi thể cháu Hà Văn Quỳnh, sinh năm 2009, ở bản Sa Ná đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình an táng. Càng về chiều, thời tiết ở Na Mèo càng nắng nóng, tác động mạnh đến sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ LLVT sau những ngày căng mình bám trụ giúp dân. Tuy nhiên, tất cả đều xác định phải đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả. Bởi đó là biện pháp hữu hiệu nhất để sớm ổn định đời sống cho bà con.