Có nhiều nhạc sĩ viết về Hà Nội, nhưng Đoàn Chuẩn – Phú Quang có lẽ là hai tác giả để lại dấu ấn đặc biệt nhất, lãng mạn và khó quên và nhất.
Đoàn Chuẩn viết không nhiều, cho đến giờ, gia tài âm nhạc của ông chỉ có 20 ca khúc, nhưng cả 20 ca khúc ấy đều là những tình khúc vượt thời gian, được khán giả nhiều thế hệ đặc biệt yêu thích. Những bài hát không bị lẫn vào đâu, với một không khí của Hà Nội xưa cũ, dù không gọi tên trực tiếp, nhưng đủ để khiến cho những ca khúc này được coi như là đại diện Hà Nội.
Nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha từng chia sẻ bất kỳ người Hà Nội nào thời kháng chiến cũng ít nhất một lần ngân nga “Anh mong chờ mùa thu/Trời đất kia ngả màu xanh lơ …” trong “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn.
“Đoàn Chuẩn chỉ viết những ca khúc thu Hà Nội của mình trong một thập kỷ (1947-1957) nhưng giai điệu thu Hà Nội của ông đã vượt qua thời gian để đi vào bất tử. Cũng không quá ngợi ca khi cuộc đời gọi ông là “nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội” hay “Vua tình khúc mùa thu Hà Nội””- nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha nhận xét.
Nhạc sĩ Phú Quang lớn lên và có một tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội, từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972, thế nên với ông “mối tình đầu và mối tình đẹp nhất cũng đều ở Hà Nội". Trong kho tàng hơn 600 bài hát của ông, đa số sáng tác viết về Hà Nội.
Phú Quang từng chia sẻ ông yêu Hà Nội vì Hà Nội là quê hương. Ông là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên như bao người có quê khác, ông thiên vị với Hà Nội. Thêm vào đó, ông là một "thổ dân" của Hà Nội chứ không phải là một lữ khách thích ồn ào thường vội vàng lướt qua rồi không ngoái đầu nhìn lại, với những nhủ thầm “phố nhỏ, đường nhỏ, có gì hấp dẫn đâu”.
Nhạc sĩ Phú Quang dành một tình yêu đặc biệt cho Hà Nội
Ông quan sát Hà Nội kỹ, cảm nhận sâu, hiểu Hà Nội tỉ mỉ hơn người khác, và bởi thế mà yêu say đắm. Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Những bản tình ca ấy được viết xuất phát từ những rung động, xúc cảm từ tình yêu có thật và cả mơ mộng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu.
Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà còn là những giai điệu để tình tự với đất Thăng Long, Hà Nội cổ kính và thanh quý. Nhạc sĩ Phú Quang được coi như một truyền nhân xuất sắc của Đoàn Chuẩn với vệt ca khúc về Hà Nội.
Điểm khác nhau giữ hai người là Đoàn Chuẩn thì tự viết ca từ, còn Phú Quang giống như các nhạc sĩ trên thế giới là chuyên tâm phổ thơ, dù ông có thể viết ca từ. …. Nhiều bài thơ được Phú Quang phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như “Em ơi, Hà Nội phố”(thơ Phan Vũ), “Tình khúc 24”, “Dương cầm lạnh” (thơ Dương Tường), “Romance” (thơ Ý Nhi), “Biển nỗi nhớ và em” (thơ Hữu Thỉnh), “Hà Nội ngày trở về” (thơ Thanh Tùng), “Im lặng đêm Hà Nội” (thơ Phan Thị Ngọc Liên), “Một dại khờ, một tôi” (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Phú Quang không phổ nguyên bài mà chọn những ý hay nhất, linh hồn của bài để làm nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.
Bằng sự trân trọng dành cho hai nghệ sĩ gạo cội của âm nhạc Việt Nam, ca sĩ Tùng Dương sẽ đảm nhận vai trò biên tập cho đêm nhạc “Hà Nội phố". Anh cho hay dù không phải một người nghệ sĩ ruột từng tham gia hết các liveshow của nhạc sĩ Phú Quang, nhưng anh thuộc rất nhiều tác phẩm của ông và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
Ca sĩ Tùng Dương đảm nhận vai trò biên tập cho đêm nhạc
“Tôi từng là nhà biên tập cho nhiều chương trình âm nhạc nên rất hiểu. Một người ca sĩ khi tham gia biên tập cho các nhạc sĩ, đó là cảm giác rất khác so với các nhạc sĩ tự làm cho chính mình. Tôi xin bày tỏ với sự trân trọng dành cho hai nhạc sĩ, hai vị công tử Hà Thành, những con người đầy chất lãng mạn của thủ đô Hà Nội. Họ là những người có công đóng góp rất lớn cho âm nhạc Việt Nam” – ca sĩ Tùng Dương cho hay.
Nam ca sĩ nổi tiếng nói thêm, nhạc sĩ Phú Quang và Đoàn Chuẩn dù ở hai trường phái âm nhạc khác nhau, thế hệ khác nhau nhưng vẫn có nét chung về đề tài lãng mạn, bay bổng. Họ đều tìm thấy những giá trị tích cực nhất cho cuộc đời. Chia sẻ về những ca khúc sẽ được giới thiệu đến khán giả, Tùng Dương cho biết với cương vị là người biên tập, anh nhiều lần đắn đo vì phải lựa chọn ra những tác phẩm hay nhất của hai nhạc sĩ.
Diva Thanh Lam cũng trình diễn trong chương trình
“Có quá nhiều tác phẩm hay và tôi phải làm sao kết nối chúng thành một mạch chuyện hay, lãng mạn. Người ca sĩ khi biên tập âm nhạc ngoài việc hiểu biết về các tác phẩm còn phải làm nổi bật cá tính âm nhạc của nhạc sĩ. Quan trọng mình phải dồn tâm sức, hiểu được câu chuyện mà họ viết từ cảm xúc thật. Tôi là người yêu âm nhạc Việt Nam và thuộc nhiều tác phẩm từ nhạc sĩ gạo cội tới nhạc sĩ trẻ. Chính vì vậy, tôi có một góc nhìn rộng mở. Bạn muốn tôn vinh chân dung một người nhạc sĩ khó hơn rất nhiều bạn tự làm cho bản thân. Trong một chương trình, bạn phải chọn những điểm rơi thích hợp, tạo cảm xúc thăng giáng, trầm bổng hài hoà, không được quá nặng hay quá nhẹ”- Tùng Dương cho biết.
Ca sĩ Tấn Minh
Khán giả đến với “Hà Nội phố” sẽ được thưởng thức giọng hát của các ca sĩ Thanh Lam, Tấn Minh, Tùng Dương, Khánh Linh, Minh Chuyên. Mỗi giọng hát là một màu sắc, một dư vị khác nhau để tôn vinh hai tác giả.