Theo Sohu, trong bộ phim mới Truyền thuyết chuẩn bị ra mắt, Thành Long sử dụng công nghệ đổi mặt AI trong nhiều cảnh quay, hành động này tốn nhiều tiền nhưng đem lại tác dụng ngược.
Công nghệ thay đổi gương mặt AI trong phim được Thành Long là chiêu bài quan trọng để quảng bá dự án điện ảnh Truyền thuyết. Diễn viên gạo cội của Trung Quốc từng xuất hiện với phiên bản trẻ hơn của mình để giới thiệu bộ phim và khiến khán giả bàn luận sôi nổi.
Thành Long dùng công nghệ đổi mặt AI để hồi xuân trong phim mới.
Tuy nhiên, theo Sohu, với video quảng bá ngắn, khán giả dễ dàng chấp nhận việc Thành Long trẻ hóa gương mặt, nhưng nếu áp dụng kỹ thuật này vào trong phim với nhiều phân cảnh dài thì khiến cả tác phẩm đều trông thiếu tự nhiên. Đây chính là hậu quả hiện tại của phim Truyền thuyết.
Một số khán giả đi xem buổi chiếu sớm đánh giá phim mới của Thành Long khiến họ không thể tập trung vào nội dung, bởi gương mặt của nam diễn viên quá kỳ lạ. Thực tế, Thành Long áp dụng công nghệ đổi mặt AI bằng hai cách. Thứ nhất, ông giúp bản thân hồi xuân. Ngoài ra, trong một số cảnh hành động, nam diễn viên trẻ Trịnh Nghiệp Thành là người đóng thế cho Thành Long nay đã bước sang tuổi 70 và không thể đóng cảnh võ thuật mạo hiểm. Do đó, gương mặt của nhân vật lúc thì là Thành Long bản già, lúc thì là Thành Long bản trẻ hơn và khi thì là Trịnh Nghiệp Thành.
Gương mặt của Thành Long và Trịnh Nghiệp thành liên tục xuất hiện trong phim.
Trong phân cảnh này, gương mặt của Trịnh Nghiệp Thành khá rõ.
Việc thay đổi gương mặt liên tục khiến phim vấp phải rất nhiều lỗi hậu kỳ. Trong một cảnh quay liên tiếp xuất hiện cả gương mặt của Thành Long với đôi lông mày ngắn đặc trưng, sau đó là Trịnh Nghiệp Thành với lông mày rậm tỉa tót kỹ lưỡng. Hay trong một cảnh quay khác, nhân vật đang trong tình huống chiến đấu nguy hiểm nhưng lại nở nụ cười khó hiểu.
Nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc nuối, cho rằng nếu Thành Long chỉ đóng vai trò nhà sản xuất, để các diễn viên trẻ tự thể hiện thì có thể phim sẽ thành công hơn. Đến ngày 8/7, doanh thu của phim mới chỉ đạt 30 triệu NDT (khoảng 4 triệu USD), trong khi tỷ lệ xuất chiếu đã giảm xuống từ 6,5% còn 5,9%.
Cảnh quay khiến khán giả vừa khó chịu vừa sợ hãi, khi nhân vật trước đó có khuôn mặt của Thành Long khi già, nhưng cảnh sau là Thành Long trẻ và Trịnh Nghiệp Thành kết hợp với nhau.
Theo Sohu, bản điện ảnh Truyền thuyết có kinh phí sản xuất 350 triệu NDT (gần 50 triệu USD), do đạo diễn thân thiết với Thành Long là Đường Quý Lễ chỉ đạo. Khi trailer phim Truyền thuyết ra mắt, nhiều khán giả chê kỹ xảo của phim nghèo nàn, thiếu tự nhiên, chất lượng kém như thập niên trước. Cảnh công chúa Hung Nô Mộng Vân ( Cổ Lực Na Trát ) xuất hiện đáng ra phải đẹp, đầy mỹ cảm thì lại bị bối cảnh hoa giả lòe loẹt làm hỏng. Sohu bình luận kỹ xảo của phim không tương xứng với số tiền kinh phí 350 triệu NDT.
Ngoài ra, T ruyền thuyết còn bị chê có kịch bản dễ đoán, các nhân vật thiếu sự hấp dẫn, nhìn là biết phản diện hay vật hy sinh cho người khác. Theo Sohu , các tác phẩm gần đây của ông liên tiếp lỗ nặng. Chính Thành Long cũng thừa nhận trong vòng 6 năm qua, nam diễn viên lỗ 1,9 tỷ NDT (hơn 260 triệu USD) vì những dự án điện ảnh thất bại như Kẻ ngoại tộc lỗ 300 triệu NDT, Thần thám Bồ Tùng Linh doanh thu chỉ đạt 160 triệu NDT, nhưng kinh phí sản xuất phim là 350 triệu NDT. Long ấn cơ mật phòng vé toàn cầu chỉ đạt 9,19 triệu USD, trong khi phí làm phim là 50 triệu USD, lỗ hơn 45 triệu USD.
Cuối năm 2022, Thành Long mang tới tác phẩm Long mã tinh thần. Nhưng chủ đề của phim không hấp dẫn, khó cạnh tranh với các bom tấn khác cùng ra mắt dịp Tết Nguyên đán. Phim chỉ thu về 210 triệu NDT, lỗ hơn 230 triệu NDT.