Thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin về vụ việc các nghệ sĩ vì tiền mà quảng cáo bất chấp các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, nhiều trang còn công khai “chỉ mặt điểm tên” diễn viên Mã Y Lợi, một sao hạng A đình đám và sở hữu lượng fan đông đảo.
Theo đó, thương hiệu trà sữa do Mã Y Lợi làm người đại diện quảng cáo bị cục kinh tế Thượng Hải điều tra vì hành vi lừa đảo, làm giả giấy tờ, khai khống lượng tiêu thụ để thu hút đầu tư. Không những vậy, tiệm trà này còn bỏ tiền thuê người đến xếp hàng trước quầy để các nhà đầu tư thấy rằng tình trạng kinh doanh rất tốt, từ đó yên tâm rót vốn vào. Sau khi nhận được tiền, cửa hàng vội đóng cửa, ôm tiền “cao chạy xa bay”.
Được biết, nhiều người vì tin tưởng vào danh tiếng của Mã Y Lợi và những con số ảo trong báo cáo kinh doanh nên mạnh tay góp vốn, thậm chí lên tới 60,000 USD (khoảng 1.4 tỷ đồng). Sau khi phát hiện bị lừa và không tìm thấy tung tích của chủ quán trà sữa, hàng loạt nhà đầu tư đã gọi tên Mã Y Lợi.
Nhiều người cho biết, vì tin tưởng uy tín của Mã Y Lợi nên mới đầu tư tiền
Sau đó, studio của nữ diễn viên Hoàn Châu Cách Cách đã phải công khai xin lỗi người tiêu dùng cùng các nhà đầu tư, đồng thời ra thông báo đã hủy hợp đồng hợp tác ngay sau khi phát hiện nhãn hàng vi phạm pháp luật, hiện đang cung cấp các thông tin cần thiết để hỗ trợ điều tra.
Sự việc này ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng và sự nghiệp của Mã Y Lợi. Nhiều người cho rằng, cô là người đại diện nhãn hàng, phải có trách nhiệm với sản phẩm mình quảng cáo, chứ không phải chỉ ký hợp đồng, nhận tiền thù lao để trưng bức ảnh lên đó, rồi khi có sự cố gì xảy ra là vội phủi sạch quan hệ như vậy.
Trước Mã Y Lợi, tài tử Trịnh Khải cũng gặp phải tình trạng tương tự. Thương hiệu trà sữa do nam diễn viên đại diện hình ảnh sau khi kêu gọi được số vốn đầu tư khổng lồ đã biến mất không dấu vết. Cảnh sát điều tra và phát hiện, số người bị hại lên tới 700, trong đó có khách hàng đã đầu tư 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3.5 tỷ đồng).
Trịnh Khải cũng từng quảng cáo cho một hãng trà sữa lừa đảo
Một hãng yến sào do Chương Tử Di làm đại diện từng nhiều lần bị Cục thương nghiệp Bắc Kinh xử phạt vì hàng loạt các hành động vi phạm luật kinh doanh như khai gian số liệu tài chính, thổi phồng công dụng sản phẩm. Mới đây, công ty này vừa phải nộp phạt 31,000 USD (hơn 700 triệu đồng) và dừng mọi hoạt động tuyên truyền vì quảng cáo không đúng sự thật, lừa dối khách hàng.
Chương Tử Di bị "ném đá" vì thổi phồng công dụng của sản phẩm
Năm 2008, sự việc Châu Kiệt Luân quảng cáo thuốc giả từng khiến dư luận “dậy sóng”. Theo đó, sản phẩm thuốc nhỏ mắt thần kỳ mà ông hoàng nhạc pop châu Á giới thiệu với nhiều công dụng: chữa mắt sưng, mắt dị ứng, mỏi mắt,…. thực chất chỉ là một loại thực phẩm chức năng.
Châu Kiệt Luân từng quảng cáo sản phẩm thuốc nhỏ mắt giả
Khi liên lạc với quản lý của Châu Kiệt Luân, người này vội phủ nhận và cho biết, sản phẩm mà nam ca sĩ đại diện là một thương hiệu khác, đồng thời khẳng định, nghệ sĩ không phải chịu trách nhiệm.
Là ngôi sao võ thuật hàng đầu Trung Quốc, Thành Long cũng nhận được không ít lời mời quảng cáo, đại diện hình ảnh. Năm 2010, nhiều trang báo của Trung Quốc đưa tin, sản phẩm dầu gội đầu do Thành Long quảng cáo có chứa chất gây ung thư. Đáng chú ý, khi giới thiệu về sản phẩm, tài tử luôn nhấn mạnh, sản phẩm được làm từ 100% thảo dược, không sử dụng hóa chất, có tác dụng giúp tóc đen và bóng mượt hơn.
Thành Long bị công kích vì quảng cáo dầu gội đầu có chứa chất gây ung thư
Không những vậy, nhiều người còn phát hiện, giá chai dầu gội đầu chỉ khoảng hơn 10 nhân dân tệ (khoảng 35.000 đồng), sau khi được Thành Long quảng cáo thì tăng lên gấp mấy lần, trở thành một “thương hiệu quý tộc”.
Sau đó, hãng dầu gội đầu đã phải nộp một bản báo cáo ngắn và thừa nhận trong sản phẩm có sử dụng một lượng nhỏ dioxane, là một hóa chất thường xuyên xuất hiện trong các sản phẩm gia dụng và không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, Thành Long vẫn bị công chúng “ném đá” không thương tiếc vì tham tiền mà lừa dối khán giả.