Dịch COVID-19 khiến các trường mầm non trên cả nước liên tục đóng cửa. Giáo viên mầm non tư thục mất việc, không lương, không trợ cấp phải mưu sinh bằng đủ loại nghề khác nhau. Tạm gác nghề dạy trẻ, kiếm sống bằng những nghề “tay trái”, cuộc sống của họ bấp bênh, cơ cực.
Kèm chữ cho trẻ lương 500 nghìn đồng/tháng nuôi mẹ bệnh tim
Hơn 1 năm nay, chị Nguyễn V. (giáo viên một trường mầm non ở quận 5, TP.HCM) chưa có một giấc ngủ ngon. Chị luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm ngày mai làm gì, ăn gì và kiếm đâu ra tiền mua thuốc cho mẹ. Dịch COVID-19 khiến chị thất nghiệp, mất nguồn thu nhập chính, cuộc sống lao đao.
Sau khi ly hôn, chị V. chuyển về quận 5, TP.HCM sống cùng mẹ già. Mẹ chị mắc bệnh tim, thuốc thang, nhập viện như cơm bữa. Trước đây, lương giáo viên mầm non không nhiều nhưng khéo léo chi tiêu, chị cũng lo đủ ăn, đủ mặc.
Dịch COVID-19 ập đến, cuộc sống của mẹ con chị không được đảm bảo. Trường liên tục đóng cửa, chị thất nghiệp suốt mấy tháng liền, phải đem tiền tiết kiệm ra chi tiêu. Những lần mẹ già nhập viện, chị xoay sở vay mượn khắp nơi mới có tiền trang trải.
“Gần đây, tôi mới tìm được công việc là dạy kèm chữ tại nhà cho trẻ, lương 500 nghìn đồng/tháng, mỗi buổi dạy 2 đến 3 tiếng. May mắn tháng nào nhận được 2, 3 bé thì lương được 1-2 triệu. Nhà có mẹ già bệnh tật, tôi chỉ làm được các công việc theo giờ, thời gian còn lại phải cơm nước, chăm nom cho mẹ. Bởi thế mà tìm việc khó lắm, cuộc sống cơ cực vô cùng”, chị V. chia sẻ.
Chị V. kể, một đồng nghiệp khác của chị cũng có hoàn cảnh éo le không kém. Ly hôn chồng, một nách nuôi 2 con nhỏ, đồng nghiệp của chị phải xoay sở đủ đường mới kiếm được bát cơm ăn.
“Cảnh đời bạn ấy còn khốn khổ hơn tôi vì ngoài tiền ăn còn phải đóng tiền trọ. Con cái không được đi học, bạn ấy thuê hàng xóm trông giúp rồi đi bán hàng thuê, ship hoa quả... Nắng mưa vất vả không nói, khổ nhất là tiền kiếm chẳng được bao nhiêu, đủ cơm ăn là tốt lắm rồi. Con thèm sữa đến mấy cũng phải cắt”, chị V. tâm sự.
Từ giáo viên mầm non chuyển sang bán ốc mưu sinh
Facebook cá nhân của Phương L. (giáo viên trường mầm non tư thục ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) những tháng thất nghiệp vì dịch COVID-19 ngập tràn hình ảnh ốc quê. Kể từ khi nghỉ dạy, Phương L. chuyển sang bán ốc online, các loại ốc quê như ốc hương, ông bươu đen, ốc mít… với đủ mức giá cả. Từ chỗ chẳng biết gì về kinh doanh, buôn bán, Phương L. tập tành tìm mối nhập hàng, cách ship hàng và những lời quảng cáo bắt tai như: “Ốc bao tươi, bao mập”, “Ốc vừa ngon, vừa giòn”…
Phương L. chia sẻ, chọn ốc làm mặt hàng bán online là con đường bất đắc dĩ. Trước đó, cô thử bán giày dép, quần áo, mỹ phẩm nhưng nguồn hàng hạn hẹp, vốn liếng ít ỏi lại không có uy tín nên chẳng mấy ai mua. Thậm chí, cô từng phải bù lỗ vì ôm hàng về nhưng không bán được.
“Mình nhập ốc ở quê rồi đăng bán trên Facebook hoặc bán trong nhóm Zalo của xóm trọ, xin vào nhóm mua bán một vài toà chung cư… Trừ hết các loại chi phí, mỗi cân ốc có khi chỉ lãi vài nghìn mà nặng nề, tanh tưởi lắm. Vẫn phải làm thôi, không làm lấy gì mà ăn, lấy gì bám lại đất thủ đô chờ ngày trường mở lại”, cô giáo trẻ ngậm ngùi.
Nguyễn H. (sinh năm 1999, giáo viên mầm non ở Thạch Thất, Hà Nội) may mắn hơn khi có chị gái chỉ bảo, giúp đỡ nên sớm thích ứng với công việc bán hàng online. Mặt hàng cô bán là giày dép, thu nhập cũng kha khá tuy nhiên, H. lại thấy quá vất vả. Cả ngày cắm mặt vào điện thoại, máy tính, đăng bài quảng cáo, chốt đơn, soạn hàng, gửi hàng… Có những ngày ế ẩm, H. nhìn đống hàng tồn đọng mà ngậm ngùi. Cô rất mong sớm được trở lại trường để có một khoản thu nhập ổn định hàng tháng, còn việc bán hàng online chỉ là công việc kiếm thêm.
“Đồng nghiệp của tôi hầu hết đều vậy, từ giáo viên mầm non chuyển sang buôn thúng bán mẹt, trên trời dưới đất cái gì cũng bán. Hồi giãn cách, có đứa còn buôn cả thịt lợn, gà vịt, rau củ ở quê đem ra bán. Có đứa thì nhận hạt vòng về xâu, có đứa nhận làm tranh thêu, tranh đá… Vất vả không kể đâu cho hết”, H. tâm sự.
Chủ trường mầm non tư thục lao đao
Không chỉ giáo viên mầm non, chủ của các cơ sở mầm non tư thục cũng rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo vì dịch COVID-19. Trường buộc phải đóng cửa, không có thu nhập mà hàng tháng vẫn phải chi trả một khoản chi phí lớn là tiền thuê mặt bằng, nhiều chủ trường không biết có thể chống đỡ đến khi nào.
Nguyễn Thị H. (30 tuổi, chủ một cơ sở mầm non tư thục ở tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, chị thành lập trường mầm non tư thục cách đây 3 năm, chi phí đầu tư lên đến 600 – 700 triệu đồng nhưng hoạt động bấp bênh, liên tục nhận được công văn đóng cửa vì dịch COVID-19. Không đón học sinh, chị vẫn chi trả khoản tiền thuê mặt bằng hàng tháng hơn 10 triệu đồng, mỗi lần mở cửa lại tốn phí dọn dẹp, sửa sang, chưa kể, dịch bệnh thất thường, số lượng học sinh giảm mạnh, khoản thu về không đều. Chị phải cố gắng rất nhiều để trường không bị giải thể.
“Gần 3 năm kể từ ngày thành lập trường, tôi chưa dư ra được chút nào. Chi phí đầu tư lớn, thu nhập bấp bênh vì dịch, có những tháng tôi phải nhờ chồng, nhờ gia đình bù lỗ. Đâu chỉ giáo viên mầm non thất nghiệp, bản thân chủ trường đôi khi cũng phải tìm việc khác mưu sinh”, chị H. nói.
Dẫu biết giáo viên gặp nhiều khó khăn vì không việc, không lương nhưng chị H. chỉ có thể giúp đỡ vài ba trường hợp đặc biệt. Đọc tin nhắn than thở của giáo viên, chị xót xa nhưng bất lực.
“Tinh thần giáo viên chán nản, nhớ nghề mà không được đi làm vì dịch. Hoạt động dạy trẻ không được diễn ra liên tục kéo theo tâm lý kém nhiệt huyết, cứ lên kế hoạch gì cho trường lớp là lại bị trì hoãn. Giáo án ngưng đọng nhiều trang, trẻ không được học, cô không được dạy”, chị H. nói.
Nguyễn Huyền (chủ đầu tư một trường mầm non tư thục ở Nghệ An) cũng có cùng hoàn cảnh. Ngoài bài toán kinh tế, chị còn mang nỗi lo giáo viên không thể bám trụ với nghề.
Trong khoảng thời gian dài trường đóng cửa vì dịch bệnh, nhiều giáo viên nhắn tin cho chị xin nghỉ vì cảm thấy nghề giáo viên tư thục quá bấp bênh. Chị lo lắng, đến lúc trẻ đi học thì không đủ giáo viên để dạy, bởi để tuyển được một cô giáo đứng lớp với đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm không hề đơn giản.
“Trong khi giáo viên mầm non biên chế nghỉ dịch vẫn có lương thì giáo viên tư thục lại không có khoản trợ cấp nào. Họ cảm thấy bất an và không muốn bám nghề nữa. Chúng tôi rất lo lắng về nguồn giáo viên và việc đào tạo sau này”, chị Huyền chia sẻ.