Hậu quả của việc hành tinh nóng lên rất đa dạng, ảnh hưởng đến hàng tỷ người và các nền kinh tế. Các chuyên gia về khí hậu cảnh báo, thế giới đã vượt ngưỡng chịu đựng về biến đổi khí hậu.
Ngày 6/7, nhiệt độ trung bình của Trái đất đạt tới mức cao chưa từng thấy là 17,18 độ C. Đây là ngày thứ ba liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu phá vỡ kỷ lục.
Trong tuần qua, một loạt quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Bắc Phi, Trung Đông ban hành cảnh báo về nắng nóng. Nắng nóng ở nơi này, mưa lớn ở nơi khác. Thủ đô New Delhi của Ấn độ đang hứng chịu lượng mưa lên đến 153mm, đây cũng là lượng mưa cao nhất trong 1 ngày tháng 7 được ghi nhận trong 40 năm qua tại Ấn Độ.
Ông Raghav Chauhan - Người dân bang Himachal Pradesh, Ấn Độ cho biết: "Tình hình rất tồi tệ. Trời đã mưa rất to trong 12-14 giờ qua, sông Beas đang tràn bờ".
Lượng mưa kỷ lục cũng được ghi nhận ở vùng Kyushu của Nhật Bản, gây lũ lụt và lở đất tại các khu vực Fukuoka và Oita.
Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ, ông John Kerry cho rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu đã chạm đến ngưỡng khủng khiếp mà thế giới chưa từng biết đến trước đây. "Những gì bạn đang nhìn thấy là băng tan toàn cầu, cháy rừng, lở đất, nắng nóng, người tử vong vì nắng nóng, vì chất lượng không khí thấp. Hàng triệu người đang thiệt mạng khắp thế giới mỗi năm đều từ một nguyên nhân không hề phức tạp, đó là việc sử dụng năng lượng đốt nhiên liệu hóa thạch mà không xử lý khí thải".
Các chuyên gia cho rằng, tần suất các hiện tượng cực đoan xảy ra liên tục là lời cảnh báo của thiên nhiên đòi hỏi các nước cần hành động một cách có trách nhiệm hơn nữa trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.