Kể từ cuối tuần qua, khu vực Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã phải hứng chịu cơn bão dữ dội, gây ra mưa lớn kéo dài và tình trạng ngập úng nghiêm trọng ở nhiều nơi, điển hình như Bahrain, Oman, một phần của Qatar và Dubai.
Cơn bão ban đầu tấn công Oman vào ngày 14/4 trước khi đổ bộ vào UAE trong ngày 16/4, gây mất điện và gián đoạn các chuyến bay trong khu vực do đường băng đều bị biến thành sông. Ít nhất 20 người được cho là đã chết trong trận lũ lụt ở Oman và người 1 ở UAE. Các văn phòng chính phủ và trường học phải đóng cửa trong nhiều ngày.
Tại UAE, lượng mưa kỷ lục 254 mm đã được ghi nhận ở Al Ain - một thành phố giáp ranh với Oman. Đây là lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi nhận từ năm 1949.
Từ những đoạn video ghi lại có thể thấy gió thổi mạnh khiến hàng loạt công trình hư hỏng nặng. Trong cơn bão, những mảnh vỡ rơi xuống khiến người dân khu vực xung quanh không khỏi hoảng loạn. Cùng với đó, nhiều tuyến đường đã hoàn toàn ngập trong biển nước, chỉ có thể thấy phần nóc của ô tô lộ ra khỏi mặt nước. Trong căn hộ tại các toà nhà cao tầng, nội thất thậm chí bị hất tung ra khỏi nhà và ban công.
Tại Dubai, trận mưa lịch sử với lượng mưa đo được là 100mm, bằng lượng mưa trong vòng 1 năm đến 1 năm rưỡi ở đây đã khiến mọi hoạt động giao thông thành phố này hoàn toàn bị tê liệt do ngập lụt.
Nhiều tuyến giao thông hoàn toàn tê liệt
Rất hiếm khi UAE và các khu vực khác trên Bán đảo Ả Rập đạt đến lượng mưa này bởi nơi đây thường được biết đến với khí hậu sa mạc khô hạn, nhiệt độ không khí mùa hè có thể lên tới trên 50 độ C. Cùng với đó, nguyên nhân gây ra ngập lụt cũng đến từ việc UAE thiếu hệ thống thoát nước để đối phó với những cơn mưa lớn.
Sau khi cơn bão lịch sử xảy ra, nhiều người lan truyền thông tin cho rằng sự thay đổi thời tiết khắc nghiệt này là do công nghệ gieo hạt trên đám mây nhằm tạo mưa nhân tạo tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất gây ra.
Hành khách mắc kẹt tại sân bay tại Dubai
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, công nghệ này sẽ chỉ ảnh hưởng nhỏ tới lượng mưa và hoàn toàn không thể gây ra sự bất thường này. Giáo sư Maarten Ambaum từ Viện Nghiên cứu Đại học Reading cho biết: "UAE thực hiện công nghệ gieo hạt trên đám mây nhằm tăng lượng mưa ở khu vực khô cằn. Tuy nhiên, không có công nghệ nào có thể gây ra những thay đổi nghiêm trọng đến vậy."
Nhà khí tượng học của BBC - Matt Taylor cũng cho biết sự xuất hiện của cơn bão cũng như lượng mưa cực lớn đã được dự báo từ trước.