Theo bạn trai về nhà ra mắt dịp Tết, tôi lập tức muốn “quay xe”

Tôi không biết quyết định của mình là đúng hay sai nhưng tôi không đủ tự tin về làm dâu trong gia đình anh ấy.

Tôi năm nay 29 tuổi, còn anh bước sang tuổi 33. Chúng tôi gặp và yêu nhau được gần 1 năm, đã tính đến chuyện kết hôn.

Quen nhau ở tuổi này, chúng tôi không quá đề cao cái gọi là tình yêu cháy bỏng. Chỉ cần có chút cảm xúc, phù hợp hoàn cảnh sống, tính cách là có thể tính đường dài với nhau.

Hai nhà chúng tôi cách nhau gần 100km, cả hai hiện sống, làm việc tại thành phố nhưng công việc không hẳn ổn định. Chúng tôi đều có dự định về quê kinh doanh, phù hợp anh nói bố mẹ anh có một mảnh đất mặt đường, có thể xây một cửa hàng nhỏ để làm ăn buôn bán. Tôi nghĩ, việc về quê chồng sống và lập nghiệp cũng không có vấn đề gì trong thời buổi đường sá, xe cộ thuận lợi như bây giờ.

Chuyện kết hôn của tôi đi vào ngõ cụt sau lần ra mắt nhà bạn trai (ảnh minh họa)

Thời điểm giữa năm vừa rồi, tôi đưa anh về nhà ra mắt. Bố mẹ tôi khá ưng ý về chàng rể tương lai khi thấy anh lễ phép, hòa đồng, đặc biệt “tay dao tay thớt” khá giỏi. Còn tôi thì mới đây, lúc Tết cận kề mới có dịp về nhà anh thăm hỏi. Sau trọn vẹn 4 ngày ở nhà anh, tôi đã có quyết định bất ngờ.

Chúng tôi về quê vào đúng ngày mưa lạnh. Tôi được bố mẹ, anh chị em của anh tiếp đón nồng hậu. Có điều, tôi đã được tận mắt thấy rất nhiều điều anh chưa từng kể.

Nhà anh là một căn nhà cấp bốn lụp xụp, đến giờ mọi người vẫn chưa có phòng riêng. Gian giữa để một bộ bàn ghế nhỏ, hai gian bên là hai chiếc giường, một bên là cho ông bà, một bên là cho chị gái ruột và hai cháu của anh ngủ.

Hỏi ra mới biết, chị gái anh sau khi kết hôn 3 năm thì đưa con về ở với bố mẹ vì chồng đi xuất khẩu lao động. Ba mẹ con đã ở đây được 2 năm, chưa tính đến ngày trở lại nhà chồng. Mấy ngày tôi về đây, cả nhà 7 người nằm chen chúc trên hai chiếc giường. Dù tôi rất muốn được lên thị trấn thuê nhà nghỉ ngủ cho thoải mái nhưng anh không đồng ý.

Điều khiến tôi lấn cấn hơn cả là lối sinh hoạt của mọi người. Gia đình anh hầu như không có nếp sinh hoạt cố định. Bữa cơm mỗi người ăn một giờ, người ăn trước không phần cơm cho người ăn sau. Có tối thì tắt điện đi ngủ quá sớm, có tối lại tụ tập với hàng xóm láng giềng đến đêm khuya.

Dù không muốn soi xét nhưng tôi vẫn phải thừa nhận, lối sống của mọi thành viên quá lôi thôi, bừa bộn. Không một ai có ý thức để dôi dép bên ngoài trước khi bước chân vào nhà. Mấy ngày mưa rét, nhà anh lúc nào cũng nhớp nháp, bẩn thỉu. Các cháu ăn bánh kẹo, hoa quả bày bừa rác khắp nhà, người lớn cũng không nhắc nhở chúng phải để rác đúng chỗ.

Chuyện nguồn nước cũng là cả vấn đề. Đến tận bây giờ tôi mới biết, vẫn còn có gia đình dùng nước mưa chứa trong bể xi măng. Anh nói, quê anh nhà nhà dùng nước sạch nhưng nước sạch 5 ngày mới cấp một lần. Nước sạch nhà anh chảy về lại được chứa trong chiếc bể xi măng không có nắp đậy, rêu bám từ dưới đáy bám lên. Bể nước sạch đó chỉ dùng trong vòng 1 – 2 ngày là cạn, sau đó, mọi người sẽ dùng nước mưa dự trữ cả năm trời trong một cái bể xi măng khác.

Có lúc, mở vòi nước từ bể ra nấu ăn, tôi đã phải bỏ cuộc. Tôi muốn anh ra cửa hàng tạp hóa mua tạm hai bình nước 25 lít về nấu ăn nhưng anh gạt đi: “Ở đây ai chẳng sống nhờ nước mưa. Em cứ vẽ chuyện. Đun sôi 100 độ là vi trùng, vi khuẩn nào cũng chết”. Đến bữa, tôi thậm chí còn không dám ăn bát canh nóng hổi vì nghĩ đến bể nước đục ngầu.

Rời nhà anh sau 4 ngày sống chung, tôi như được giải phóng. Tôi không dám chê nhà anh nghèo nhưng để hòa chung với lối sống cẩu thả đó, tôi không làm được.

Sau lần ra mắt, tôi chỉ hỏi anh một câu: “Sau này, nếu về quê làm ăn, chúng ta sẽ ở chung với ông bà, chị và các cháu hay ở riêng?”. Anh ấy khẳng định chắc nịch: “Nếu đã về quê thì không có chuyện ra ở riêng vì anh là con trai duy nhất”.

Câu trả lời của anh cũng chính là đáp án cho cuộc tình này. Vì tôi chắc chắn một điều sẽ không hòa nhập được với nếp sống của gia đình anh. Có điều, “quay xe” trong phút chót vì những lý do ấy, tôi cũng mơ hồ một nỗi sợ mình sẽ hối hận về sau.